Người xưa răn dạy “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, vậy mà những người trong gia đình ông Mai Văn Đông (SN 1977, ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã quên mất điều này nên cướp mạng hai người hàng xóm, đồng thời là anh em ruột Phan Văn Diễn (SN 1959), Phan Văn Hiển (SN 1964). Vụ việc thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự vô nhân tính của một số người.
Cánh đồng chết chóc
Ngôi nhà của những nạn nhân hướng ra con kênh trước mặt nước nặng phù sa. Những ngày đầu tháng 7 mưa dầm dề, không khí trong nhà càng buồn hơn khi luẩn quẩn mùi khói hương và những gương mặt phụ nữ, trẻ con. Người vợ của nạn nhân Diễn có lẽ là người đớn đau hơn cả khi chính giây phút kẻ sát nhân vung dao, chị tận mắt chứng kiến.
Vợ một nạn nhân bên bàn thờ chồng |
Sáng 4/7, nhà chị cũng như người dân cả xã hối hả ra đồng gặt lúa. Ruộng nhà chị ở phía bên trong, ruộng nhà ông Đông ở phía bên ngoài. Khi cắt xong, để chở lúa ra gần bờ kênh rồi cho lên xuồng mang về nhà thì phải đi qua phần ruộng nhà hàng xóm. Lúc này phần ruộng nhà ông Đông đã gặt xong, việc những người có ruộng phía bên trong đi nhờ qua đây chở lúa gạo ra phía ngoài là việc bình thường như tập quán địa phương.
Không hiểu sao, hôm ấy chồng chị đang đi nhờ qua khu ruộng trống thì bị anh ruột ông Đông là chủ khu ruộng này la mắng: “Ruộng nhà chúng tao không phải đường để chúng mày đi”. Dù ông Diễn đã thanh minh là trước khi lội nhờ qua ruộng đã xin phép mẹ của chủ ruộng và được đồng ý nhưng người này vẫn sa sả mắng mỏ. Cứ thế “lời qua tiếng lại” giữa hai người, rồi người có ruộng nhảy lên xe máy đi gọi con cháu trong nhà ra “tiếp viện”.
Khi ấy ông Diễn gọi điện về nhà cho em trai, nói việc mình bị “làm khó dễn”. Lúc này ông Hiển đang chơi bài xúc xắc ở hiên với mẹ già và đứa con nhỏ, ban đầu ậm ờ định không đi vì nghĩ đó chỉ là chuyện xích mích nhỏ, nhưng sau đó bà mẹ giục giã nên người đàn ông này mò ra cánh đồng. Ra đến ruộng giúp anh trai cân được khoảng 10 bao thóc, từ phía sau mọi người thấy nhóm bốn người của chủ ruộng hùng hổ cầm dao chạy đến. Từ xa, chủ ruộng chỉ vào anh Diễn hô: “Giết nó cho tao”.
Thấy anh trai bị nhóm người xúm lại đánh đập, người em lao đến can ngăn, định “giải vây” cho anh mình chạy thoát thân. Thấy thế, một thanh niên trong nhóm côn đồ chạy đến vung dao vào vào sau lưng người em. “Đoán được ý định trước đó nên tôi đã chạy ra quỳ lạy, van xin người ta đừng đâm anh ấy nhưng chưa dứt lời thì tên đó đã vung dao lên”, vợ nạn nhân thuật lại.
Vợ nạn nhân cho biết thêm dù khi đó có đến khoảng 30 người dân đứng gần đó chứng kiến sự việc nhưng không ai dám ra can ngăn, có lẽ sợ bị liên lụy. Sau khi chồng chị bị đâm, mọi người mới giúp gọi xe và khi đến bệnh viện huyện thì anh Hiển đã tắt thở. Liền sau đó, người anh trai sau khi bỏ chạy đã bị nhóm côn đồ bắt kịp, sát hại chết trên cánh đồng.
Nhận được tin báo về vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, cảnh sát đã có mặt tại hiện trường và truy bắt bốn đối tượng gây ra vụ “thảm sát” gồm Mai Thanh Sơn (SN 1975), Mai Văn Đông (SN 1977), Mai Hồng Tâm (SN 1984) và Mai Văn Cường (SN 1985).
Bi kịch trụ cột gia đình vắng bóng
Gia đình nạn nhân là người anh trai có 3 đứa con gái, hai người đầu đã đi lấy chồng nhưng từ khi cha mất, hai cô gái này tạm thời về ở với mẹ cho cảnh nhà đỡ buồn. Nhà có gần 10 công ruộng, chồng là lao động chính mà nay không còn, người vợ lại nay suốt ngày chỉ biết lủi thủi quanh quẩn gần nhà khóc lóc nhớ chồng. Chị bảo rằng xưa nay gia đình chị không có xích mích gì với gia đình hàng xóm, đến giờ chị cũng không hiểu vì sao chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà những đối tượng kia lại có thể đâm chết chồng chị. “Mẹ chồng tôi với mẹ ông Sơn trước đây còn là chị em thân thiết, có gì cũng giúp đỡ nhau”, chị nói.
Còn gia đình nạn nhân là người em trai có cũng có 3 đứa con, hai người con gái lớn một đã đi lấy chồng, một đang học đại học năm thứ 3 ở Thành phố Hồ Chí Minh, cậu con trai út năm nay 15 tuổi. Biết cha bị chết oan, cô con gái đang học có ý định bỏ ngang vì không muốn mẹ ở nhà một mình, cũng không còn tư tưởng nào để tiếp tục học, và quan trọng nhất “ba chết rồi ai kiếm tiền cho con học nữa”. Trong ký ức của người vợ, chồng chị là người hiền lành, biết chăm lo và hết mực yêu thương vợ con.
Ngoài công việc đồng áng, khoảng 10 năm trở lại đây, vợ chồng chị hôm nào cũng bắt đầu dậy từ lúc nửa đêm để làm bún, làm hủ tiếu rồi đẩy xe đi khoảng hơn 2km bán cho công nhân làm ca đêm của một công ty sản xuất thủy sản hàng đông lạnh. “Giá như họ đâm anh ấy vào chỗ khác, dù tật nguyền cả đời cũng được, miễn sao anh ấy vẫn được sống để tôi vẫn được chăm sóc anh ấy. Thế mà họ cướp mạng anh ấy bằng được mới thôi”, người vợ lại khóc.
Chị vợ cho biết từ khi sự việc đau lòng xảy ra, chị không còn tâm trí đâu với công việc đồng áng, công việc làm hủ tiếu bán đêm cũng sẽ phải dừng lại vì riêng sức chị mà không có sự trợ giúp của chồng thì không kham nổi. Vừa mất chồng, nay chị thêm một lần nữa buồn bã khi không biết gánh nặng mỗi tháng kiếm hơn 2 triệu đồng gửi cho con ăn học sẽ được giải quyết như thế nào. Thế nhưng người vợ này vẫn quyết tâm: “Dù có khó khăn thế nào thì tôi cũng sẽ cố nuôi con cái ăn học cho tử tế”.
Những người hàng xóm ai cũng đánh giá hai nạn nhân vốn là những người sống hiền lành, tử tế, chưa bao giờ làm mất lòng xóm giềng. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, người mẹ già của những đối tượng giết người lọ mọ chống gậy sang nhà hai nạn nhân ngậm ngùi khóc lóc, xin lỗi, mong nhận được sự thông cảm cho lỗi lầm con cháu. Cụ cho biết người già lúc nào cũng sống cũng đắm đuối vì chữ tâm, nhưng những đứa con cháu của cụ thì láo lếu, không còn giữ được nếp sống cũ của cha mẹ.
“Mấy thằng đó không mấy khi ở nhà mà thường đi làm ăn xa. Có lẽ chúng chẳng biết tình làng nghĩa xóm là gì, bị ảnh hưởng xấu từ bên ngoài mà về quê làm kẻ bất nhân tàn nhẫn”, một người dân trong xóm phân tích.
Hữu Sơn