Ngày 15/1/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn tỉnh. Mục tiêu của Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng dụng thực phẩm, xử lý việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Từ ngày thành lập đến nay Đoàn đã kiểm tra 22 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, xử phạt cửa hàng bách hóa Tú Hạnh (thị trấn Cẩm Xuyên) và cơ sở sản xuất bánh mì, bánh ngọt Ngọc Ánh (TX Kỳ Anh) với số tiền tiền gần 9 triệu đồng vì vi phạm khu vực chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, sử dụng phụ gia thực phẩm quá hạn qui định, thực phẩm chế biến không rõ nguồn gốc.
Đoàn liên ngành của các huyện liên tục kiểm tra, trên địa bàn của mình. Trong đó, huyện Nghi Xuân đã kiểm tra 71 cơ sở sản xuất kinh doanh, xử phạt 4 cơ sở vi phạm, số tiền 12,5 triệu đồng; Huyện Hương Sơn, phối hợp với Đội QLTT số 5 kiểm tra kinh doanh chợ Phố Châu, xử phạt một chủ buôn bán giò chả không rõ nguồn gốc 1,5 triệu đồng.
Chống các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu gian lận thương mại trước, trong, sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 Cục QLTT ban hành Kế hoạch số 257 đảm bảo đủ số lượng cán bộ, nắm bắt thông tin thị trường, diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Nhân dân như: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, quần áo may mặc sẵn, đồ gia dụng.
Đội quản lý thị trường số 3 xử lý nhiều vụ sai phạm trên địa bàn huyện Hương Khê |
Chủ động điều tra, trinh sát, phòng ngừa, phát hiện kịp thời các đối tượng kinh doanh vi phạm pháp luật. Cùng với kiểm tra cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại bằng nhiều hình thức, tổ chức tọa đàm, đối thoại với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhất là các đại lý, nhà phân phối các mặt hàng thiết yếu ký cam kết không tiếp nhận và đưa ra thị trường các loại hàng hóa không an toàn thực phẩm, đo lường, chất lượng, ngăn chặn hàng hóa vi phạm ngay từ khâu phân phối.
Cục QLTT Hà Tĩnh tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ ngày ra quân đến nay các đội QLTT đã xử lý nhiều vụ. Điển hình xử phạt hành chính 17 trường hợp với số tiền 23,5 triệu đồng vi phạm các lỗi hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hương Khê.
Đội QLTT số 6 phối hợp với CSGT, Cục chăn nuôi thú y tỉnh kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát: 29C- 89693 do ông Phan Văn Thiên ( SN 1984, trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) phát hiện trên xe chở 3,6 tấn sản phẩm động vật, không rõ nguồn gốc.
Mới đây, Đội QLTT số 1 phối hợp với các lực lượng kiểm tra trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, phát hiện cửa hàng kinh doanh tổng hợp Vipwine (TP Hà Tĩnh) 108 điếu thuốc xì gà do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, ước tính trị giá 47,5 triệu đồng.
Ngày 22/1 Đội tiếp tục kiểm trra cửa hàng kinh doanh số 184 đường Nguyễn Công Trứ phát hiện 68 điếu thuốc xì gà không có hóa đơn chứng từ trị giá 48,3 triệu đồng.
Trước đó, ngày 20/1 Đội xử phạt cơ sở kinh doanh trên đường 26/3 sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc với số tiền 17 triệu đồng, tịch thu 1.353 kg mạch nha trị giá 21 triệu đồng.
Từ khi ra quân đến nay Đội QLTT số 1 đã phát hiện, xử lý 30 vụ trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh về hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng, vi phạm thương mại điện tử, xử phạt hành chính 189 triệu đồng, thu giữ 176 điếu xì gà nhập lậu, 1.353 kg mạch nha, nhiều quần áo, dày dép giả mạo nhãn hiệu, thực phẩm quá hạn sử dụng ước giá trị 137 triệu đồng.
Chưa đầy một tuần nữa là Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 các mặt hàng ở Hà Tĩnh tương đối ổn định, chưa có mặt hàng nào tăng giá đột xuất, hàng hóa phong phú, nhờ tỉnh làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, siết chặt quản lý thị trường.