Vĩnh Phúc có hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh tương hoàn chỉnh với 159,5 km đường cao tốc, quốc lộ; 255,1 km đường vành đai; 371,3 km đường tỉnh và 4.373 km đường giao thông nông thôn.
Cùng với đường bộ, tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai được duy trì nhằm nâng cao khả năng khai thác, đảm bảo an toàn chạy tàu.
Với phương châm đầu tư "Vốn đầu tư nhà nước sẽ là vốn mồi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính tham gia đầu tư vào các dự án lớn trên địa bàn tỉnh", tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm, tạo ra hiệu ứng lan toả thúc đẩy phát triển các địa phương và toàn tỉnh.
Cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc. Cầu Vĩnh Phú có tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng, tổng chiều dài 509,55m, bề rộng mặt cầu chính 19m, bề rộng đường dẫn 16,5m, được thiết kế đảm bảo 4 làn xe cơ giới.
Trên công trường xây dựng cầu Vĩnh Phú, đội ngũ kỹ sư và công nhân thay phiên làm 3 ca với tinh thần quyết liệt để đạt mục tiêu hoàn thành công trình trước thời hạn. Đến nay, cầu Vĩnh Phúc đạt gần 80% khối lượng thi công và dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 6/2023, vượt tiến độ hợp đồng khoảng 5 tháng. Cây cầu kết nối huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.
Hiện nay, Vĩnh Phúc đang thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 như: Tuyến đường Vành đai 5 - Thủ đô và đoạn tuyến đường Ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa Đường Vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi Quốc lộ 2C và Tuyên Quang; Dự án Xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên; Đường Tây Thiên Tam Sơn, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý và đoạn từ Quốc lộ 2C đến hồ Vân Trục (huyện Lập Thạch).
Đồng thời, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo chủ đầu tư Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các tuyến giao thông kết nối khu du lịch Tam Đảo, khu công nghiệp Sông Lô như: Đường nối từ đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên; Đường nối từ Tây Thiên đến Khu du lịch bến Tắm; Đường từ nút giao lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực xã Văn Quán, huyện Lập Thạch) đến Trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi khu công nghiệp Sông Lô I… Đây là các công trình giao thông trọng yếu có tính kết nối nội vùng, kết nối liên vùng đồng thời là các tuyến có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút du lịch đối với tỉnh Vĩnh Phúc.
Không chỉ quan tâm đến đầu tư hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ, Vĩnh Phúc còn đặc biệt chú trọng và ưu tiên nguồn lực cho phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Hết năm 2022, toàn tỉnh đã cứng hóa được 92% đường giao thông nông thôn; 81% đường giao thông nội đồng, tạo sự kết nối hài hòa giữa các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm các huyện, thành phố, thị xã, thúc đẩy kinh tế vùng, nhất là tại khu vực nông thôn phát triển.
Với hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng đã giúp cho Vĩnh Phúc tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Tính đến năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 429 dự án FDI (dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và 824 dự án DDI (dự án có vốn đầu tư trong nước); trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, thép Việt Đức, Prime Vĩnh Phúc… đang đầu tư rất thành công tại tỉnh.
Nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ được ưu tiên cho các dự án xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, nhất là các công trình trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế -xã hội, các dự án giao thông, từng bước hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc; Đường vành đai 4, trục Đông Tây kéo dài đấu nối với trục TD7 huyện Mê Linh để kết nối với đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Tuyến tránh Quốc lộ 2C, đoạn từ nút giao IC5 đến thành phố Tuyên Quang.
Song song với đó, ngành giao thông vận tải Vĩnh Phúc sẽ tập trung xử lý các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; tăng cường kiểm soát tình trạng xe quá khổ, quá tải để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.