Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo, Phó Ban Chỉ đạo Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì hội nghị.
Phấn đấu 100% huyện được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến Quý II/2023 tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại - Chánh Văn phòng Điều phối NTM TP cho biết, TP Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM là Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.
Với 3 huyện chưa đạt chuẩn NTM là Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Văn phòng Điều phối NTM TP đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định NTM Trung ương xem xét, công nhận 3 huyện đạt chuẩn NTM.
Bên cạnh đó, 5 huyện Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm đang tập trung xây dựng huyện NTM nâng cao...
Đối với cấp xã, đến nay, TP có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Trong năm 2023, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM là 8.699 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP là 1.713,05 tỷ đồng, chiếm 19,7%; ngân sách huyện là 6.273,2 tỷ đồng, chiếm 72,1%; ngân sách xã là 493,1 tỷ đồng, chiếm 5,7%. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 219,6 tỷ đồng, chiếm 2,5%.
Từ năm 2021 đến Quý II/2023, có 8 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí là 488,3 tỷ đồng. Riêng năm 2023, quận Hoàn Kiếm hỗ trợ huyện Chương Mỹ 18,8 tỷ đồng xây dựng trường THCS Nam Phương Tiến A.
Về phát triển kinh tế nông thôn, đến nay, TP có 1.389 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó 1.165 hợp tác xã đang hoạt động, 224 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể.
Hà Nội cũng có 1.695 trang trại; duy trì 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Đối với nâng cao đời sống nông dân, toàn TP đã giải quyết việc làm cho 85.784 lao động, đạt 52,9% so với kế hoạch…
Về nhiệm vụ trong các tháng cuối năm 2023, TP Hà Nội phấn đấu 3 huyện còn lại (Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức) được công nhận đạt chuẩn NTM; hoàn thiện hồ sơ 4 huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 33 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
TP đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên; công nhận thêm 15 làng nghề, nghề truyền thống; 12 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể…
Tại hội nghị, các tham luận làm rõ về kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, hạn chế và những biện pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, huyện còn thiếu 3 tiêu chí xây dựng huyện NTM và đang nỗ lực tập trung hoàn thiện các tiêu chí về trường học, hoàn thành dự án Khu Công viên tưởng niệm Chu Văn An trong năm 2024; phấn đấu sẽ đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2024.
Ông Nguyễn Tiến Cường cũng cho biết, đối với tiêu chí phát triển lên quận, một số tiêu chí huyện NTM nâng cao cao hơn tiêu chí quận, huyện sẽ vẫn chọn thực hiện tiêu chí cao hơn.
Tháng 9 tới, huyện sẽ hoàn thiện Đề án, xin ý kiến sở, ngành để cuối năm trình TP, HĐND TP thông qua vào tháng 4/2024.
Ưu tiên dành nguồn lực bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện nay, Hà Nội còn 3 huyện cuối cùng đang chuẩn bị được công nhận nông thôn mới. Từ đây, TP xác định phát triển nông nghiệp, NTM của Thủ đô sẽ chuyển sang giai đoạn mới.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. |
TP đã và đang đặt hàng các nhà khoa học, các viện, học viện… hỗ trợ TP tập trung vào sản xuất các lĩnh vực chủ lực trong nông nghiệp.
Hà Nội sẽ tạo thành chuỗi liên kết theo hướng TP cung cấp giống cho các tỉnh để chăn nuôi và đưa sản phẩm về Thủ đô để tiêu thụ.
Đối với trồng trọt, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp hàng hoá như lúa, rau đặc trưng… cho người dân Thủ đô. Nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng hữu cơ, thích ứng với tự nhiên, tạo ra các sản phẩm mùa vụ bền vững…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy, UBND TP tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành TP, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp tập trung tổ chức triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2023 và TP có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, 4 huyện đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 33 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM, huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.
UBND các huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức) bên cạnh việc thực hiện đề án xây dựng huyện thành quận cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện NTM nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt , hoàn thành xây dựng NTM nâng cao trước khi lên quận.
Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023, đề nghị các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thiện hồ sơ công nhận gửi về Văn phòng Điều phối NTM TP trước 15/11/2023.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Văn phòng NTM TP theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương, đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu năm 2023.
Các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng NTM theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn, chưa đạt chuẩn NTM.
Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban của HĐND TP để sớm ban hành Nghị quyết của HĐND TP về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2026; trên cơ sở đó, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Về nâng cao đời sống nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2023, thu nhập của người dân nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo theo hướng đa chiều, phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo so với đầu năm.
Cùng với đó, tăng cường công tác nắm bắt tình hình, phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp về an ninh phát sinh trên các lĩnh vực, gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh nông thôn.