Từng bước nâng cao chất lượng quy hoạch
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; trong đó, xác định lộ trình theo từng giai đoạn (đến 2020, đến 2030 và đến 2050) với mục tiêu “xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế.
Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi”.
Cụ thể hóa Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện trên phạm vi toàn TP và đã hoàn thành một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch các cấp độ, từ chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cấp dưới.
Cùng với số lượng các đồ án, chất lượng quy hoạch cũng được nâng lên với những yêu cầu mới, đặc biệt là nghiên cứu tính tích hợp trong quy hoạch. Định hướng quy hoạch, tầm nhìn, tính dự báo, yêu cầu phát triển bền vững giữa việc cải tạo chỉnh trang trong khu trung tâm cũ với việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới hoàn chỉnh, yêu cầu quản lý tại các khu vực nông thôn, hành lang xanh... là những giải pháp được đồng loạt triển khai nhằm làm mới và nâng cao chất lượng quy hoạch. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành.
TP Hà Nội khẳng định, chất lượng quy hoạch ngày càng được quan tâm và từng bước được nâng cao thông qua đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng quy hoạch - kiến trúc TP, Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng, các chuyên gia, hội nghề nghiệp trong việc tham vấn lĩnh vực chuyên môn và việc tham gia của cộng đồng dân cư.
TP Hà Nội đã có chủ trương thi tuyển chọn phương án, mời tư vấn nước ngoài thực hiện một số đồ án nhằm nâng cao tính khả thi, tiếp cận công nghệ hiện đại.
"Việc điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát ngày càng chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ điều kiện điều chỉnh quy hoạch của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng. Kết hợp các công cụ quản lý bao gồm quy hoạch các loại, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc các cấp độ,... cơ bản đủ điều kiện giải quyết về quy hoạch kiến trúc, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP", UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô bảo đảm tính khả thi, lâu dài
Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, triển khai chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021 về việc Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/5/2021 và Quyết định số 4199/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội là đơn vị tổ chức lập.
Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nâng cao chất lượng trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị, khai thác sử dụng tài nguyên hiệu quả, bảo vệ môi trường theo đúng Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5/5/2022; Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội ngày 16/6/2022, Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch 190/KH-UBND ngày 9/7/2022 của UBND TP về tăng cường sự lãnh đạo, khắc phục các tồn tại hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP...
Liên quan đến công tác quy hoạch, tại phiên họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, cho ý kiến về chủ trương, nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 18/11, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy kết luận nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý,đặc trưng, đặc thù của Thủ đô Hà Nội đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Trung ương thường xuyên lưu ý ; đã được nêu đậm nét trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, nội dung này cần được làm rõ nét, nổi bật từ quan điểm, mục tiêu, phương hướng và từng nội dung bên trong của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đó triển khai cụ thể.
Cùng với đó, phải tính toán khoa học, chính xác về dân số cơ học của TP hiện nay, dự báo khả năng gia tăng trong tương lai, cũng như xác định phương án sức tải tối đa về dân số của hệ thống hạ tầng đô thị của Thủ đô để có phương án quy hoạch tương xứng, phù hợp đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển bền vững, lâu dài của Thủ đô. Đồng thời, khắc phục những bất cập về quá tải hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội hiện nay…
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, việc điều chỉnh càng phải cẩn trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, lâu dài cho Thủ đô phát triển theo mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP đã đề ra.