Các điểm này bao gồm Bãi đỗ xe Trần Quang Khải (bãi kín, cho phương tiện ô tô), điểm trông xe ô tô tạm thời dưới lòng đường trên các phố Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Lý Thái Tổ (tại 2 vị trí), Nguyễn Thượng Hiền và điểm trông xe máy tạm thời trên hè phố Phủ Doãn.
Việc thí điểm nêu trên là nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh; từng bước tạo thói quen không sử dụng tiền mặt khi thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe của người dân trên địa bàn TP.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời minh bạch trong công tác thu giá dịch vụ trông giữ xe tại các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe tạm thời; đảm bảo an ninh, trật tự, đô thị ngăn nắp, xã hội văn minh.
Sau thời gian triển khai thí điểm, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ có tổng kết, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện; chỉ gia hạn giấy phép đã cấp và cấp mới giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông giữ xe cho các tổ chức, cá nhân có triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng tiền mặt.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định, việc trông giữ xe thanh toán không dùng tiền mặt là một “Việc dễ có thể làm ngay, đến liền tay ngay 3 lợi ích” cho cả Nhà nước – Doanh nghiệp – Người dân, đó là “Minh bạch – Thuận tiện – Văn minh hiện đại”.
Thông qua việc này, người dân đồng thuận vì thu đúng giá, công khai minh bạch, dịch vụ chất lượng tốt, thuận tiện ra vào “không dừng”, dễ tìm kiếm đặt chỗ, giảm chi phí thời gian; chính quyền chống thất thu về thuế; còn doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững.