Yêu cầu luật phải đảm bảo khoa học, chặt chẽ
Ngày 23/5, Bộ Tư lệnh (BTL) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tổ chức Hội thảo khoa học lần 1 Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP chủ trì hội thảo.
Trước đó, ngày 29/8/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết 33) về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” với chủ trương, quan điểm, tư duy mới và xác định rõ mục tiêu chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) trong tình hình mới.
Theo đó, Nghị quyết 33 xác định “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG; Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; Bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; Bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG, góp phần phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước” và “Xây dựng lực lượng BVBG quốc gia toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”.
Nghị quyết số 33 đã đặt ra một nhiệm vụ quan trọng là “sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”. Bắt đầu xây dựng từ năm 2018, qua nhiều lần thẩm định của các cơ quan chức năng theo trình tự, thủ tục, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam hiện có 8 Chương 42 Điều.
Yêu cầu đặt ra, quá trình xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam phải thể chế hóa đầy đủ, toàn diện mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc chiến lược bảo vệ BGQG; đồng thời luật hóa được hình thức quản lý, BVBG, các biện pháp công tác BP, đảm bảo bao quát, toàn diện, đầy đủ nhiệm vụ BP; đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến chỉ đạo, quá trình soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam phải đảm bảo khoa học, chặt chẽ, huy động được sự tham gia góp ý của chỉ huy, lãnh đạo có kinh nghiệm, các chuyên gia, nhà khoa học uy tín.
Xác định BĐBP là một quân chủng
Về tên gọi hệ thống tổ chức của BĐBP (Điều 27), Ban soạn thảo đưa ra hai phương án: Phương án 1: giữ nguyên tên gọi hệ thống tổ chức của BĐBP từ cấp trung ương (Bộ Tư lệnh-BTL) đến cấp cơ sở (Đồn BP) như hiện nay. Phương án 2: Bỏ cụm từ “Bộ đội” đối với tên gọi 2 cơ quan: BTL BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thành, tên gọi mới là BTL Biên phòng và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành.
Về nhiệm vụ BP (Điều 4), phương án 1 giữ nguyên 7 nhiệm vụ BP như dự thảo Luật. Phương án 2 bổ sung thêm nhiệm vụ: xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới.
Về vị trí, chức năng của BĐBP (Điều 10), phương án 1 xác định rõ BĐBP là một quân chủng như trong Khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật. Phương án 2 không sử dụng thuật ngữ quân chủng. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến xác định BĐBP là “Quân chủng” và không đồng ý bỏ cụm từ “Bộ đội” vì tên này đã gắn với BĐBP nhiều năm, được quy định trong nhiều văn bản luật.
Tại Hội nghị, các đại biểu chủ yếu góp ý vào Chương I và Chương II của dự thảo Luật. Theo dự thảo, Chương I gồm 6 Điều từ Điều 1 đến Điều 6 quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động của Biên phòng (BP), nhiệm vụ BP, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ BP, các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II gồm 2 Mục, 6 Điều từ Điều 7 đến Điều 12 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của LLVT gồm: Các đơn vị Quân đội nhân dân (Quân khu, Hải quân, Phòng không-Không quân, Cảnh sát biển), Công an nhân dân, Dân quân tự vệ và vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP. Nội dung tập trung xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP gồm các Điều: 10, 11 và 12.
Trung tướng Tăng Huệ - nguyên Tư lệnh BĐBP góp ý: “Điều chỉnh Điều 2 (Giải thích từ ngữ)” Chương I như sau: BP là sự nghiệp xây dựng, quản lý bảo vệ BGQG bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân, LLVT nhân dân, hệ thống chính trị các cấp do BĐBP làm nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ BP dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ đạo điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng làm tham mưu.
Nền BP toàn dân là sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hệ thống chính trị và các tiềm lực của đất nước được tổ chức chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước và sự tham gia của toàn dân trực tiếp là nhân dân các dân tộc ở biên giới do BĐBP làm nòng cốt, chuyên trách nhằm quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG. Nền BP toàn dân là cơ sở nền tảng của thế trận BP toàn dân gắn kết, không thể tách rời với nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân”.
Trung tướng Phạm Huy Tập-nguyên Chính ủy BĐBP nhận xét, lần đầu tiên chúng ta tiếp cận BP với tư cách là một đạo luật. BP Việt Nam là gì, không thể so sánh với Quốc phòng Việt Nam, an ninh quốc gia nhưng BP Việt Nam có tầm vóc lớn.
Theo ông, về an ninh biên giới có mấy vấn đề cần phải làm rõ và nêu trong Luật: “An ninh biên giới là một bộ phận trọng yếu, không thể tách rời của an ninh quốc gia. An ninh biên giới theo nghĩa đầy đủ, phải toàn dân, không chỉ là an ninh chính trị mà bao gồm cả kinh tế, văn hóa-xã hội, đối ngoại, môi trường và lợi ích quốc gia ở khu vực biên giới. Phải coi an ninh lãnh thổ là một bộ phận cốt lõi của an ninh biên giới...”.