Trước gói hỗ trợ 29.000 tỷ của Chính phủ cho các DN, người đại diện cộng đồng DN- Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc - có nhìn “màu hồng”, rất lạc quan về tương lai bớt khó khăn hơn của các DN…
Ông Vũ Tiến Lộc |
- Các DN gặp khó khăn bởi hai lẽ, do năng lực cạnh tranh yếu và do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước; do đó, tổng cầu yếu, thị trường xuất khẩu giảm, sức tiêu thụ trong nước cũng yếu đi. Bình thường, các nước EU và Mỹ, sau 3 năm thành lập chỉ 70% DN tiếp tục hoạt động trên thị trường, còn lại 30% DN rút khỏi thị trường bằng cách sáp nhập, mua bán và chuyển vốn, tiền sang đầu tư ngành khác. Đó là điều bình thường của nền kinh tế thị trường. Ở Việt Nam, trong lúc khó khăn này, dư luận mới chú ý hơn tới sự “ra đi” của các DN.
Tuy rằng đến nay chưa có số chính xác về số lượng các DN ngừng hoạt động, giải thể và phá sản song theo số liệu của Bộ KH&ĐT và VCCI, 70% DN cho biết tiếp tục sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, chỉ có 30% DN sẽ thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh (trong đó, có cả các DN ngừng hoạt động, giải thể và phá sản).
Mấu chốt cái khó của DN ở giai đoạn này là chi phí đầu vào cao, hàng tồn kho cao – tiêu thụ khó khăn. Do đó, để giải “bài toán” này, chúng ta cần giảm chi phí và thúc đẩy đầu ra. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã sử dụng tổng hợp các biện pháp tài chính, tài khóa tiền tệ, như NHNN đưa lãi suất vay từ 18% xuống còn 15% đồng thời, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu lại các khoản nợ.
Bên cạnh đó, còn sử dụng các biện pháp thuế và phí như giãn, hoãn nộp thuế (Chính phủ đã có quyết định trợ giúp 29.000 nghìn tỷ bằng cách giãn, giảm, thuế cho cách DN); cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tiền bạc cho DN…
Các doanh nghiệp rất cần sự công bằng để vượt qua khó khăn |
Muốn đẩy mạnh đầu ra thì cần cách tăng cường sự liên kết giữa DN và hiệp hội trong nước, tăng cường chuỗi cung ứng tự nguyện mua hàng hóa của nhau, hình thành chuỗi cung ứng giá trị, tăng cường người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về nông thôn.
Bên cạnh đó, VCCI kiến nghị sửa Luật Đấu thầu bằng cách đưa ra tiêu chí kỹ thuật, đáp ứng cho các DN Việt Nam có thể tham gia đấu giá và có khả năng trúng thầu trong việc cung ứng vật tư, nguyên vật liệu cho các công trình với điều kiện chúng ta vẫn tuân thủ các quy định WTO; đồng thời, giúp các DN trong nước tiếp cận được các chương trình mua sắm công và chi tiêu công của Chính phủ. Bên cạnh đó, tăng quỹ Chương trình XTTM, trong lúc khó khăn này, không chỉ thúc đẩy các biện pháp XTTM ngoài nước, mà thúc đẩy nhiều biện pháp XTTM ngay trong nước.
Về ý kiến cho rằng, các DN đang mong được hưởng như gói bù lãi suất 4%/năm như trước đây, chứ gói cứu trợ 29.000 tỷ lần này chỉ như “nước tăng lực”, theo tôi, điểm khác biệt lớn nhất của Chương trình gói hỗ trợ 29.000 tỷ của Chính phủ cho DN lần này so với gói hỗ trợ lãi suất (4%/năm trước đây, với bất cứ DN khỏe, yếu - mang tính chất cào bằng, bù lỗ) là Chính phủ sử dụng biện pháp giảm thu, áp dụng công bằng đối với tất cả các DN.
Nếu DN nào khỏe, trong thời gian được hoãn, giãn thuế, có thể sử dụng số vốn đó để mở rộng sản xuất kinh doanh. Còn các DN yếu tạm thời nhưng có phương án kinh doanh tốt, khả thi thì biện pháp này sẽ trợ giúp để DN “tăng lực” mạnh khỏe trở lại. Gói trợ giúp lần này nhằm mục đích giúp các DN tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị, sản xuất hiệu quá; chứ không nhằm bù lỗ, cào bằng như gói cứu trợ lần trước.
Mai Hoa (ghi)