Gói cước “tỷ phú” do Beeline cung cấp vi phạm các quy định pháp luật về khuyến mãi và cạnh tranh. Ảnh minh họa |
Chi 20.000đồng/tháng, sở hữu 1 tỷ đồng trong 10 năm
Đầu tháng 9/2011, mạng di động Beeline bắt đầu tung ra thị trường gói cước tỷ phú với giá bán 20.000 đồng một sim. Theo đó, chỉ cần nạp tối thiểu 20.000 đồng mỗi tháng, các thuê bao của gói cước này sẽ có 1 tỷ đồng trong tài khoản được sử dụng để gọi nội mạng. Thời gian ưu đãi của gói cước này kéo dài trong 10 năm.
Trong lúc người tiêu dùng hoan hỉ đón nhận sim tỷ phú khiến cho số lượng thuê bao của Beeline tăng vùn vụt và điện thoại Beeline siêu nhỏ giá chỉ 149.000 đồng dành để dùng sim Beeline luôn cháy hàng, thì không ít chuyên gia viễn thông bày tỏ sự lo ngại. Theo nhận định của một chuyên gia, với một DN viễn thông mới tham gia thị trường và có thị phần ít ỏi, thì việc áp dụng gói cước tỷ phú bán dưới giá thành trong một thời gian nhất định có thể được “châm chước”. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp chấp nhận tới 10 năm không có lãi khi tung ra gói cước này lại đang vi phạm vào Luật Viễn thông, Luật Cạnh tranh, trong đó quy định rõ thời gian của mỗi chương trình khuyến mại và giá trị của sản phẩm khuyến mại. “Dù Beeline là mạng nhỏ, nhưng nếu cứ mạnh tay khuyến mãi, bán phá giá như thế này, trước sau gì cũng gây tổn hại lớn tới cấu trúc thị trường viễn thông” – ông này nói.
Thực ra, gói cước tương tự như gói cước “tỷ phú” mà Beeline đang áp dụng không phải là một đột phá mới mẻ. Nhiều nhà mạng đã nghĩ ra gói này, nhất là khi dung lượng thừa của mạng lưới đang lớn, có thể tận dụng được và các mạng di động đều khuyến khích khách hàng gọi nội mạng để giảm tối đa cước phí kết nối. “Tuy nhiên, chúng tôi không dám triển khai vì quy định pháp luật không cho phép, dù chúng tôi có dư điều kiện để cung cấp được những gói cước “khủng hơn” – đại diện một mạng di động lớn chia sẻ.
Tuýt còi, nhưng sim “tỷ phú” vẫn được bán tràn lan
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, sim “tỷ phú” vẫn được mua bán công khai ngoài thị trường, dù mức giá đã được đẩy cao hơn trước. Như vậy, Beeline không tuân thủ nghiêm yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông khi tiếp tục cung cấp gói cước này, hay các SIM của gói cước tỷ phú đã được kích hoạt nên các đại lý vẫn ngang nhiên bán? Trong trường hợp thứ nhất, Beeline đang vi phạm hành chính do cung cấp gói cước không có lợi nhuận. Còn trong trường hợp thứ hai, Beeline vi phạm quy định về quản lý thuê bao trả trước vì sẽ phải đăng ký “khống”, đăng ký một thông tin cho nhiều thuê bao.
Phân tích về các trường hợp này, một chuyên gia nhận định, trong trường hợp thứ nhất, Beeline chỉ phải nộp phạt vi phạm hành chính môt khoản phạt nhất định. Nhưng trong trường hợp thứ hai, nếu muốn có chứng cứ để xử lý, cơ quan chức năng cần phải có thời gian để rà soát, đối chứng thông tin, dữ liệu đã đăng ký từ nhà mạng.
Từ câu chuyện gói cước “tỷ phú” cho thấy, vẫn đang tồn tại những kẽ hở trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh viễn thông.
Sau khi tung ra gói cước “tỷ phú” và điện thoại siêu rẻ với giá 149.000 đồng, số lượng thuê bao của Beeline đã tăng với tốc độ chóng mặt. Trung bình mỗi ngày, Beeline có thêm gần 10.000 thuê bao hoạt động thực. So với thời điểm giữa tháng 9, lượng thuê bao hiện tại của Beeline đã tăng 301%, được đánh giá là một "kỷ lục" trên thị trường viễn thông di động của Việt Nam. |
Trâm Mai