Trốn thuế, trốn trách nhiệm?
Rẻ tiền là yếu tố lợi thế của homestay, với khoảng tiền từ 300.000 đồng - 3 triệu đồng/căn/ngày, du khách có thể thoải mái lựa chọn các homestay “chất, xinh, ở khắp mọi miền đất nước”, từ Phú Quốc, Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu đến Sa Pa, Hà Nội, Hải Phòng…
Đây là cơ hội người dân bản địa kiếm thêm thu nhập; với người du lịch sẽ có nhiều lựa chọn hơn với túi tiền của mình. Hơn nữa, qua các trang web trung gian chia sẻ chỗ ở, như Airbnb, Agoda, Booking, Traveloka,… dịch vụ homestay đã trở nên đơn giản tới mức chỉ cần gói gọn trong vài bước “nhấp chuột”.
Nhiều đơn vị, trang web trung gian giữa các homestay và khách thuê “tối giản hóa” dịch vụ tới mức không cần giấy tờ tùy thân, chỉ cần nhận mã số nhà và mở cửa vào homestay như nhà mình, thậm chí không cần gặp chủ nhà.
Theo phản ánh của nhiều du khách, phần lớn homestay ngoài đời thực đều không được “lung linh” như trên hình ảnh, ví dụ như thiếu sáng, view đơn điệu, chăn chiếu ẩm mốc, có khi còn có kiến bọ, nhà vệ sinh không sạch sẽ…Về phía người dân tộc sinh sống trên vùng núi đều khó chịu việc người du lịch thiếu ý thức đến hái hoa bẻ cành, ăn uống tiệc tùng, vứt rác bừa bãi, làm ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống của họ.
Theo chia sẻ của người dân bản địa tại Mù Căng Chải: “Vườn hoa tam giác mạch trên Mù Căng Chải năm nào cũng bị dẫm nát bét, đường làm ra thì chúng không đi, dẫm hết hoa còn ai ngắm được nữa”. Vì thế, cũng không lạ, ở nhiều nơi người dân bản địa đều không có ánh nhìn thiện cảm với du khách.
Mặt khác, việc kinh doanh homestay tự phát nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở ngắn ngày, cấp tốc của khách du lịch chính là một bài toán khó cho các cơ quan chức năng. Ví dụ, sẽ phải xử lý như thế nào đối với các chủ kinh doanh lợi dụng “lỗ hổng pháp lý” để “lách luật” như: cải tạo nhà thành homestay và cho thuê đơn thuần mà không đăng ký hộ kinh doanh cá thể; hoặc doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú; cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm các điều kiện về lưu trú như điện nước, phòng cháy, chữa cháy, y tế; đại hạ giá để kiếm khách, lôi kéo, cò mồi để cạnh tranh…
Từ những điều trên, ít nhất có hai câu hỏi lớn phải đặt ra: Thứ nhất, nếu xảy ra những sự cố không đáng có như cháy nổ, ngộ độc… sẽ xử lý như thế nào giữa chủ nhà và khách thuê, cơ quan chức năng địa phương và chủ kinh doanh? Thứ hai, việc truy thu thuế áp dụng với khách sạn và căn hộ đã đăng ký trên hệ thống của địa phương có được áp dụng tương đương với căn hộ homestay hay không?
Xử lý mạnh tay
Mô hình homestay đã từng là một giải pháp sáng tạo, hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối về thiếu chỗ ở tại nhiều điểm du lịch; nhưng tới nay, mô hình này có mặt ở khắp nơi, đã lộ rõ nhiều điểm bất cập khiến chính phủ các nước trên thế giới phải can thiệp “mạnh tay” nhằm giành lại quyền kiểm soát.
Gần đây nhất, theo những quy định mới Chính phủ Nhật Bản đã ban hành vào tháng 6/2018, bất kỳ ai muốn quảng cáo tài sản của mình trên các website chia sẻ nhà ở như Airbnb phải đăng ký với chính quyền địa phương và phải được kiểm định về an toàn phòng cháy, chữa cháy trước khi cho khách thuê. Đồng thời, việc cho thuê nhà bị giới hạn trong 180 ngày/năm, nếu vi pham mức phạt có thể lên tới một triệu yên Nhật (khoảng 207 triệu VND).
Tại Barcelona (Tây Ban Nha) cũng tiến hành kiểm tra gắt gao những căn hộ được quảng cáo trên Internet nhưng không có giấy phép hoạt động. Tháng 4/2018, Palma de Mallorca đã trở thành thành phố đầu tiên ở Tây Ban Nha và trên thế giới ra sắc lệnh hoàn toàn cấm dịch vụ cho thuê căn hộ homestay cho du khách; bởi phản ứng dữ dội của người dân bản địa cũng như sự mất kiểm soát về du lịch ồ ạt, những căn hộ cho thuê tự phát, không phép tràn lan, đến năm 2017, đã có khoảng 20.000 căn hộ như vậy trong thành phố, tăng 50% so với năm 2015. Ông Antoni Noguera, thị trưởng thành phố phát biểu: “Chúng tôi muốn một thành phố cho người dân bản địa có thể sống được”...
Các chuyên gia du lịch thế giới tỏ ra lo ngại việc hạn chế dịch vụ homestay sẽ làm giảm một số áp lực từ bùng nổ du lịch, đồng thời làm giảm doanh thu từ du lịch. Song, cũng cần nghĩ đến vấn đề cốt lõi đối với các nhà quản lý, đó chính là sự quá tải du khách, khan hiếm chỗ ở, làm biến đổi văn hóa và tập quán của người dân sinh sống tại vùng.