Giúp cựu vận động viên nữ khởi nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh

Chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho các nữ vận động viên. (Ảnh: PV)
Chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho các nữ vận động viên. (Ảnh: PV)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với đặc thù về công việc của các vận động viên, vấn đề khởi nghiệp mưu sinh sau khi giã từ sự nghiệp thể thao luôn là nỗi trăn trở của hầu hết các cựu vận động viên nói chung và nữ vận động viên nói riêng.

Cơ hội cho cựu vận động viên nữ

Hàng năm, tại Việt Nam có rất nhiều vận động viên giã từ sự nghiệp thi đấu, trong đó có những người từng đạt thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Nhiều lý do khiến một vận động viên giải nghệ, như dính chấn thương, hoàn cảnh gia đình, hết tuổi thi đấu thể thao đỉnh cao...

Theo số liệu của Cục Thể dục thể thao - Bộ VH,TT&DL công bố tại Chương trình giao lưu trực tuyến “Hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho vận động viên thể thao” tổ chức cuối năm 2020, chỉ có 15 - 20% các tuyển thủ quốc gia, các vận động viên xuất sắc đã trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Ứớc tính có khoảng 60 - 70% số vận động viên từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp thể thao đã bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng mà họ từng được huấn luyện.

Đáng chú ý, phần lớn vận động viên giải nghệ để đến với những công việc ngoài lĩnh vực thể thao thường gặp khó khăn trong việc mưu sinh. Bởi đã dấn thân theo nghiệp thể thao từ khi tuổi đời còn rất trẻ, nhiều vận động viên không được trang bị đầy đủ kiến thức văn hoá, chuyên môn, kỹ năng làm việc do phải thi đấu, tập luyện với thời gian không ổn định. Nói cách khác, sau khi giải nghệ, họ bước ra đời với hai bàn tay trắng, khó khăn để tìm việc làm hay khởi nghiệp. Đặc biệt với nữ vận động viên, bên cạnh những khó khăn kể trên, họ còn phải đối mặt với nhiều rào cản như định kiến giới, trách nhiệm với gia đình, con cái...

Thấu hiểu được khó khăn, thách thức của vận động viên, nhiều chương trình hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp tương lai đã được tổ chức. Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục Thể thao - Bộ VH,TT&DL tổ chức chương trình Truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên. Trong khuôn khổ chương trình, nữ vận động viên được cung cấp một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, qua đó giúp chị em tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để một ngày không xa biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và thành công. Đồng thời nữ vận động viên được gặp gỡ, trò chuyện cùng các doanh nhân để lắng nghe kinh nghiệm, hiểu rõ thế mạnh của bản thân cũng như chia sẻ những lo lắng, trăn trở của bản thân trước hành trình khởi nghiệp trong tương lai.

Tại chương trình, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: “Tôi mong muốn các nữ vận động viên hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cho giai đoạn tương lai - khi dừng thi đấu chuyên nghiệp. Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một sự lựa chọn tốt, có thể tạo cho chị em nhiều cơ hội phát triển bản thân và ổn định cuộc sống”.

Khởi nghiệp gắn với chuyển đổi xanh

Giáo sư David Lavalee của Đại học Abertay ở Anh với kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu về các vận động viên sau khi nghỉ thi đấu nhận thấy rằng những người phải đột ngột dừng thi đấu thường ít thành công và gặp nhiều khó khăn hơn những người đã có kế hoạch và chuẩn bị cho ngày giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Như vậy, việc nghĩ về ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng một kế hoạch và bồi đắp ý tưởng ngay trong thời gian đang thi đấu sẽ gia tăng cơ hội thành công.

Nhằm hỗ trợ nữ vận động viên nói riêng và phụ nữ trên cả nước nói chung trên hành trình khởi nghiệp, năm 2024, Hội LHPN Việt Nam phát động cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”. Là xu thế chung của thế giới, chuyển đổi xanh trong khởi nghiệp không chỉ dựa vào tài nguyên bản địa sẵn có mà cần có sự kế thừa, sáng tạo nhất định, thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng không gây hại tới môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Trong khuôn khổ chương trình, các nữ vận động viên được cung cấp một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp. (Ảnh: HLHPNVN)

Trong khuôn khổ chương trình, các nữ vận động viên được cung cấp một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp. (Ảnh: HLHPNVN)

Việc gắn khởi nghiệp với chuyển đổi xanh không chỉ giúp nữ vận động viên đi theo hướng phát triển bền vững mà còn tác động tới ý thức của họ cũng như gia đình và cộng đồng xung quanh. Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Thuật ngữ chuyển đổi xanh hiện còn rất mới với cả đất nước chúng ta và với nữ vận động viên lại càng mới hơn. Thông qua các hoạt động tuyên truyền về cuộc thi sẽ góp phần giúp các vận động viên nữ hiểu hơn về chuyển đổi xanh, qua đó chuyển biến nhận thức thành hành động và từ hành động sẽ tạo ra tác động rộng lớn từ đội ngũ vận động viên hùng hậu”.

Ông Hùng cho rằng chuyển đổi xanh là quá trình diễn ra toàn cầu nên việc nữ vận động viên bắt đầu từ bây giờ sẽ giúp họ có cơ hội tiên phong, đón đầu xu thế, nhất là khi Đảng và Chính phủ đang quan tâm, đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức có thể kể đến như ý tưởng sáng tạo, sự thay đổi về kiến thức, công nghệ, nguồn lực tài chính, tiếp cận đội ngũ chuyên gia năng lực trong mảng xanh… “Đã là tiên phong sẽ có rất nhiều thách thức nhưng nữ vận động viên hoàn toàn có thể vượt qua khi có các đơn vị như Hội LHPN Việt Nam đồng hành để giúp họ được kết nối các nguồn lực chuyên gia, tài chính, dữ liệu thông tin,…”, ông Hùng nhận định.

Như bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã chia sẻ tại chương trình, các nữ vận động viên bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực luyện tập, thi đấu thật tốt, giành thành tích cao trên đấu trường khu vực và quốc tế, mang lại màu cờ sắc áo cho Tổ quốc thì hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cho giai đoạn tương lai - khi dừng thi đấu chuyên nghiệp. Với tố chất nhanh nhẹn, thông minh, khoẻ mạnh, năng động, nghị lực, ý chí và kỷ luật cao được hun đúc từ tập luyện, các nữ vận động viên sẽ dễ dàng thích nghi và tiếp tục phát triển ngành nghề, công việc mà bản thân lựa chọn sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu. Được biết, qua 5 năm Hội LHPN Việt Nam tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, đã có hơn 5.000 dự án/ý tưởng dự thi cấp Trung ương, trong đó 147 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc; tổng trị giá hỗ trợ gần 35 tỷ đồng. Hội LHPN Việt Nam cũng đã tổ chức cung cấp kiến thức, thông tin và hỗ trợ ngày càng đa dạng đối tượng phụ nữ khởi nghiệp như nữ vận động viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, nữ phạm nhân đang chấp hành án…

Đọc thêm