Tham dự chương trình, về phía lãnh đạo Trung ương có đồng chí Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lãnh đạo các đơn vị Đảng ủy - Bộ tư lệnh Quân đoàn 3; Đảng ủy - Bộ tư lệnh Binh đoàn 15, Quân khu V; Lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, đại diện Công an các tỉnh Tây Nguyên.
Chương trình Giữ trọn lời thề được dàn dựng công phu |
Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tham gia chương trình còn có đại diện thân nhân các gia đình liệt sĩ, chính sách trong lực lượng Công an nhân dân cùng đông đảo bà con Nhân dân tỉnh Gia Lai và một số tỉnh lân cận.
39 năm trở về đất mẹ
Đó là câu chuyện của chị Phan Thị Thanh, con gái của liệt sỹ Phan Văn Viêm kể lại: Những ngày cuối năm 1971 sẽ không thể nào quên. Từ hậu phương, mẹ con chị ngày đêm mong mỏi những phong thư ở nơi chiến trường, với niềm hy vọng được đón chồng, đón cha trở về trong ngày vui chiến thắng. Song, một nỗi đau ập đến, khi ấy, chị Thanh nhận được tin người cha thân yêu của mình đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Tây Nguyên. Dù rất đau đớn, nhưng vì lo lắng mẹ và các em ở quê nhà sẽ không chịu đựng nổi nên chị Thanh đã phải giả nét chữ của cha viết thư cho mẹ. Nhớ lời cha dặn trước lúc lên đường vào Nam chiến đấu, chị Thanh gạt nước mắt, động viên, an ủi mẹ và tần tảo cùng với mẹ nuôi dạy các em nên người. Những lá thư vẫn đều đặn đến tay người thân của liệt sỹ Phan Văn Viêm ở quê nhà. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, chị và người em trai của mình, anh Phan Văn Thạnh quyết tâm nối tiếp sự nghiệp của cha. Được đứng trong hàng ngũ chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, được cống hiến sức mình vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Những hoạt cảnh được tái hiện trong chương trình |
Sau 39 năm gia đình đã tìm được phần mộ của Liệt sỹ Phan Văn Viêm tại mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió để đưa ông về quê hương Thái Bình. Có một vài điều thực sự kỳ lạ đã xảy ra với quá trình đưa hài cốt Anh hùng LLVT Phan Văn Viêm về với quê hương: Trong lá thư đầu tiên liệt sĩ Phan Văn Viêm gửi về cho người vợ tần tảo ở quê sau đợt tập huấn để ra chiến trường có ghi: "Hôm nay thứ hai ngày 26/4/1965 anh lên đường đi vào miền Nam nơi mà đồng bào và Tổ quốc chờ đợi". Thì cũng đúng ngày ấy, 39 năm sau, ngày 26/4/2010, thứ hai, các con của liệt sĩ tìm thấy phần mộ thất lạc của ông.
Máu của các chiến sĩ, của nhân dân vẫn chảy giữa thời bình
Năm 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, khắp cả nước bước vào giai đoạn kiến thiết, dựng xây quê hương giàu mạnh để hàn gắn những vết thương do dư chấn của chiến tranh để lại. Vậy nhưng, trên mảnh đất đỏ Tây Nguyên, các cán bộ, chiến sĩ vẫn phải tiếp tục với cuộc chiến chống các tổ chức phản động, đặc biệt là tổ chức phản động FULRO.
Hoạt cảnh tái hiện trong chuơng trình vì một Tây Nguyên mãi xanh |
Trong cuộc đấu tranh với tổ chức phản động Fulro và các thế lực lợi dụng hoạt động tà đạo để chống phá chính quyền, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân, lực lượng an ninh công an các tỉnh Tây Nguyên đã phải chịu rất nhiều gian khổ, hy sinh. Cái lớn nhất họ có được không phải là chiến thắng quân sự, mà là đưa được hàng ngàn người lầm lỡ trở về với chính nghĩa, với buôn làng, người thân của mình để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân…
Máu của các anh đã đổ, nhiều chiến sĩ Công an đã anh dũng hy sinh để mang lại cho Tây Nguyên thêm xanh. Cùng thời gian, các anh đã trở thành huyền thoại, tượng đài bất tử trong tâm trí bao người. Đặc biệt, trong vụ khủng bố vào trụ sở làm việc ở 2 xã của huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) vào ngày 11/6 vừa qua, máu của các anh lại tiếp tục đổ xuống. Nhiều anh đã chiến đấu và anh dũng hy sinh để đối lấy sự bình yên của bà con Nhân dân.
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng ký ức về những trận đánh, những hy sinh mất mát vẫn còn in sâu trong tâm trí của những người chiến sỹ từng tham gia cuộc chiến này...Thiếu tướng Rah Lan Lâm (dân tộc Gia Rai), Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai nhớ lại, đầu năm 1976, khi đó Rah Lan Lâm là một cậu bé 11 tuổi cùng với hàng trăm người dân tập trung tại UBND xã để vui mừng cách mạng toàn thắng, đất nước hoàn toàn được giải phóng.
Đúng lúc đó, hàng chục đối tượng FULRO kéo quân vào buôn làng ở xã Nhơn Hòa, huyện Chư Prông bắn giết hàng chục đồng bào cả người dân tộc thiểu số và người Kinh. Để thị uy, chúng nã thêm nhiều quả đạn M79 vào nhà đồng bào mình nhưng rất may, vào thời điểm ấy mọi người đang tập trung ở trung tâm xã nên không ai bị thiệt mạng nhưng căn nhà của bố mẹ ông đã bị thiêu rụi.
Những năm sau đó, cậu bé Rah Lan Lâm đã chứng kiến hàng chục thanh thiếu niên của làng mình bị bắt đi FULRO, ai phản ứng hoặc chống cự lại đều bị chúng giết hại rất thê thảm. Bản thân Rah Lan Lâm cũng bao phen phải đi lánh nạn để không bị ép vào tổ chức này. Từ tình yêu buôn làng, ông đã tự nguyện viết đơn xin tham gia vào lực lượng Công an để đi chống FULRO, bảo vệ bình yên cho buôn làng, quê hương của mình. Và trong cuộc chiến ấy, ông đã bao lần “chết hụt” cũng như chứng kiến nhiều đồng đội của mình ngã xuống trước họng súng tàn ác của FULRO.
Cùng Đại tá Nguyễn Cộng Hòa - Trưởng Phòng an ninh dân tộc, Công an Đăk Lăk về lại xã Yang Mao, huyện Krông Bông viếng hương Anh hùng liệt sỹ Y Thuyên Ksơr. Đây là LS thuộc Ty Công an Đăk Lăk đã hy sinh khi chống lại 50 tên FULRO bất ngờ đột nhập vào buôn, xả súng bắn chết đồng chí Ma Nghi (cán bộ huyện), bắn trọng thương đồng chí Y Nang (cán bộ xã) và cụ Ma Yan (già làng).
Mặc dù lực lượng quá chênh lệch, nhưng đồng chí Y Thuyên Ksơr vẫn bám trụ chiến đấu, bị chúng bắn trọng thương, trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh vẫn gượng dậy, tiêu diệt 4 tên FULRO. Trong cuộc đấu tranh với tổ chức phản động Fulro và các thế lực lợi dụng hoạt động tà đạo để chống phá chính quyền, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân, lực lượng an ninh công an các tỉnh Tây Nguyên đã phải chịu rất nhiều gian khổ, hy sinh. Cái lớn nhất họ có được không phải là chiến thắng quân sự, mà là đưa được hàng ngàn người lầm lỡ trở về với chính nghĩa, với buôn làng, người thân của mình để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân…
Để có được một Tây Nguyên yên bình như hôm nay, vẫn còn đó những hy sinh thầm lặng.
Để giữ mãi một màu xanh Tây Nguyên
Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của vùng Tây Nguyên vẫn đạt khá cao.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và phát triển theo chiều hướng đa dạng với quy mô, chất lượng ngày càng tăng. Tiềm năng, lợi thế của vùng đất Tây Nguyên đã và đang được khai thác hiệu quả. Đây là khu vực sản xuất nông sản lớn nhất cả nước, mỗi năm sản xuất ra hàng trăm nghìn tấn cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại nông sản khác.
Kinh tế Tây Nguyên từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Những thành tựu cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc và lực lượng vũ trang trên địa bàn Tây Nguyên đạt được trong những năm qua thể hiện sinh động chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.
Giữa cuộc sống thanh bình, câu chuyện Cư Kuin là một vết thương nhức nhối. Máu của các chiến sĩ công an Việt Nam vẫn còn đang đổ vì bình yên của Tổ quốc. Ngay trong biến cố này, những người dân yêu nước, yêu chính nghĩa của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên vẫn gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng công an như một biểu hiện cao đẹp và sâu sắc trong thế trận lòng dân.
Lãnh đạo Bộ công an trao những phần quà để tri ân những người có người thân đã hy sinh trong các cuộc chiến |
27/7 là ngày Thương binh liệt sĩ, cũng là dịp hàng năm người dân khắp cả nước tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho dân tộc Việt Nam. Những cuộc chiến tranh đi qua, để lại quá nhiều sự hi sinh, mất mát của cả người ra đi và người ở lại. Bóng tối chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của nó vẫn còn hiện hữu như để nhắc nhở mỗi con người Việt Nam biết trân trọng hơn giá trị của hoà bình hôm nay. Và chủ đề chính của chương trình Giữ trọn lời thề như khẳng định một lần nữa: thế hệ ngày trẻ hôm nay không bao giờ quên những công lao to lớn ấy. Ngọn lửa của lòng yêu nước được hun đúc, truyền lại từ thế hệ cha ông đi trước sẽ được tiếp nối, truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay.