Nhiều ý kiến cho rằng, để giữ đạo đức nghề báo trong kỷ nguyên số cần luật hóa, thành lập riêng một hội đồng xử lý vi phạm.
Lỗi không tránh khỏi của truyền thông hiện đại?
Những năm gần đây, báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo hướng hội nhập, với đầy đủ các loại hình báo chí. Cùng với đó, việc ra đời của mạng xã hội (MXH) với các ứng dụng vô cùng nhanh nhạy và linh hoạt trở thành thách thức lớn cho báo chí chuyên nghiệp.
Nhiều nhà nghiên cứu chỉ rằng, sức ép mà báo chí hiện đối mặt chính là sự cạnh tranh và sức lan tỏa thông tin MXH mạnh mẽ trên phạm vi khắp thế giới. Chia sẻ về quan điểm này, ông Trịnh Quốc Dũng - Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, vai trò cung cấp thông tin đã không còn là đặc quyền riêng của các cơ quan báo chí truyền thống mà thay vào đó là vai trò đơn lẻ của mỗi nguồn tin trên truyền thông xã hội, nơi cung cấp thông tin nhanh nhất và trực tiếp nhất đến với công chúng.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 35 triệu người sử dụng Internet, trong đó có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang MXH, phổ biến nhất là Facebook. Sự phát triển mạnh mẽ, sức hấp dẫn, cập nhật, “xuất bản” thông tin dễ dàng, tốc độ lan truyền nhanh chóng, liên tục theo từng giây là những ưu thế mà MXH đem đến trong kỷ nguyên công nghệ số.
Ngoài việc tạo ra sức ép về mức lan tỏa thông tin, MXH đã gián tiếp làm thay đổi cách thức làm báo truyền thống. Minh chứng rõ nhất là việc xuất hiện thuật ngữ “làm báo facebook” giờ đã không mấy xa lạ. Theo đó, một số ít người trẻ công tác trong các cơ quan báo chí đã từ bỏ cách thức tiếp cận, thẩm định thông tin theo phương cách truyền thống. Thay vào đó, họ chuyển qua “săn” tin trên MXH. Việc “chuyển đổi” này đã gián tiếp đáp ứng thị hiếu tò mò của một bộ phận công chúng. Song, hệ lụy nhãn tiền nó để lại là vai trò định dướng dư luận của báo chí dần bị đánh mất. Thông tin thiếu kiểm soát trên MXH trở thành nỗi quan ngại, làm giảm lòng tin của bạn đọc với báo chí chính thống.
Thực tế, hoạt động báo chí của bất cứ quốc gia nào cũng đều dựa trên nền tảng của sự trung thực. Bởi vậy, việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí, lạm dụng, thiếu kiểm chứng những nguồn tin từ MXH là hết sức cần thiết. Nói cách khác, MXH là một sản phẩm tất yếu của truyền thông hiện đại, song nếu có sự điều chỉnh, tiết chế phù hợp, người làm báo giữ được bản lĩnh đạo đức trong sáng thì báo chí sẽ không mất đi vị thế của mình trong công chúng.
Thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức
Mới đây, diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số”, nhà báo Phan Hữu Minh – Ủy viên Ban Thường Vụ, Trưởng Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đã đến lúc cần mở rộng đối tượng quán triệt các quy định đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy, cùng với luật pháp, việc ngăn chặn vi phạm đạo đức của người tham gia truyền thông trong thời đại số hóa mới hiệu quả. Nhà báo Phan Hữu Minh nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tiến hành thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức.
“Sau gần 1 năm, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra 10 điều quy định về đạo đức người làm báo… Hội đang tiếp tục làm thêm một công việc nữa đó là thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo Việt Nam.
Ngày 21/4/2017 tại Đà Lạt – Lâm Đồng, Hội Nhà báo sẽ tổ chức hội nghị báo chí và Hội nghị toàn quốc, dành một buổi sáng để quán triệt kĩ vấn đề này. Hội đồng thành lập đang dự thảo, nhưng định hướng là sẽ thành lập Hội đồng cấp trung ương và Hội đồng địa phương, dự kiến trong hội đồng gồm các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo… nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực thi 10 quy định đạo đức người làm báo. Có thể nói, đây là một trong những hình thức được luật hóa và có tính thực tiễn cao” - nhà báo Phan Hữu Minh chia sẻ.
Hưởng ứng và ủng hộ dự định trên, nhà báo Nguyễn Uyển nguyên Trưởng Ban Công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Bất kể ở đâu, khi nào, báo chí và nhà báo cũng phải hoạt động theo luật pháp. Nhà báo phải chịu trách nhiệm trước toàn bộ công chúng về những thông tin mình đưa ra. Do đó, tính trung thực, tính nguyên tắc, lòng dũng cảm và đức khiêm tốn của người làm báo phải được đề cao, luôn vươn tới để phản ánh hiện thực xã hội và thế giới như vốn có chứ không phải như người ta mong muốn. Nhà báo Việt Nam phải có bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Cho nên nhất thiết người làm báo phải nghiêm chỉnh tuân thủ và thực hiện đúng, đủ nghiêm ngặt 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp hiện hành”.
Trên tinh thần chấn chỉnh, kiên quyết xử lý những sai phạm liên quan đến đạo đức người làm nghề trong kỷ nguyên số, nhà báo Hà Kim Chi - Phó Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đầu tiên, các cơ quan báo chí, các cấp Hội, đặc biệt là cơ quan kiểm tra phải quán triệt sâu, tìm hiểu kỹ 10 quy định. Từ đó đề ra các hình thức để kiểm soát, ngăn chặn trước khi phát hành, phát sóng, đăng lên mạng những tác phẩm báo chí chưa chuẩn về góc độ đạo đức.
Trong trường hợp xảy ra rồi, cần có thái độ cương quyết và dứt khoát xử lý sai phạm và khắc phục hậu quả. Thứ hai, Hội Nhà báo vừa qua cũng đã nhận thấy nếu cứ để các tổ chức Hội, các cơ quan báo chí tự xử lý rồi báo cáo Trung ương Hội thì hiệu quả sẽ không cao. Cho nên đã có chủ trương thành lập hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm 2 cấp Trung ương và cấp tỉnh. Hội đồng được thành lập chắc chắn sẽ giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này tốt hơn.
Trong tình hình nhiễu loạn thông tin hiện nay, trước khi có sự vào cuộc “mạnh tay” của Trung ương Hội Nhà báo, thiết nghĩ với cá nhân mỗi người làm nghề hơn lúc nào hết, ngoài nền tảng là kỹ năng chuyên môn thì đạo đức càng phải được đặt lên hàng đầu. Mỗi nhà báo, bên cạnh cái đầu “lạnh” phải giữ được một trái tim “nóng” để biết chia sẻ, cảm thông, biết dừng lại trước những nỗi đau của nhân vật. Mang tới cho độc giả những gì họ cần nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tác nghiệp bằng mọi giá, giẫm đạp lên những quy chuẩn đạo đức về tình người.