“Cái cớ” để lan tỏa Tiếng Việt tới người trẻ
Nhiều nghệ sĩ tên tuổi, người yêu thơ và bạn bè quốc tế đọc thơ trên sân khấu Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội ngày 18-4, trong sự kiện “Se sẽ chứ” mừng sinh nhật nhà thơ Lưu Quang Vũ do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tổ chức.
NSND Lê Khanh, cặp NSND Lan Hương - NSƯT Đỗ Kỷ, ca sĩ Mỹ Linh, nhà thiết kế Chula, Việt Anh (nhóm Vlog1977), nhiều bạn bè quốc tế… Trong không gian ấy, chỉ có phim, âm nhạc, đọc thơ, chia sẻ của nghệ sĩ, bạn trẻ yêu thơ mà không có người dẫn chương trình, không lời bình, không trang hoàng sân khấu.
Còn nhớ, mùa đầu tổ chức tại Hà Nội, đêm thơ diễn ra ở sân vườn trong một con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám. Khu vườn tràn ngập sắc loa kèn - loài hoa mà Lưu Quang Vũ yêu thích. Trên tầng hai, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp dành không gian tái hiện căn phòng nhỏ đơn sơ mà vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh từng sống ở phố Huế (Hà Nội), nơi những bài thơ, vở kịch còn mãi với thời gian. Họ sống cùng nhau và 3 người con (con anh - con em - con chúng ta) trong căn phòng sáu mét vuông không có giường ngủ.
Khán giả xúc động khi đọc những vần thơ “ Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất”… |
Cuộc sống khó khăn, Lưu Quang Vũ làm đủ nghề để kiếm sống và rồi tỏa sáng khi vở kịch đầu tay mang tên “Sống mãi tuổi 17” được Huy chương Vàng. Ông sáng tác liên tục, mạnh mẽ và có thái độ dũng cảm đáng ngạc nhiên khi đặt trong bối cảnh của thời đại.
Và rồi, cùng hàng loạt tác phẩm mang hơi thở thời đại, đầy dũng ngày ấy, tên tuổi Lưu Quang Vũ những năm 80 như ngôi sao chói sáng trên bầu trời nghệ thuật. Ngày 29/8/1988 trên đường từ đoàn kịch Hải Phòng về lại Hà Nội, cả gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh với bé Mí (tên thật là Lưu Quỳnh Thơ) đã qua đời trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc…
“Tôi chọn ngày sinh nhật 17 tháng 4 của Lưu Quang Vũ để làm “Se sẽ chứ”, ban đầu do niềm yêu thích rất riêng tư với anh Vũ, chị Quỳnh. Đặc biệt, thơ Lưu Quang Vũ là sợi dây mỏng nối liền ta với bạn, nó se sẽ dặn dò ta rằng thi ca làm cho mỗi chúng ta đẹp lên, cho tâm hồn chúng ta được nương tựa và chữa lành”. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, thời gian gần đây khi văn thơ đang mất dần chỗ đứng trong đời sống thì việc gợi mở tình yêu tiếng Việt nói chung và thơ văn nói riêng nơi người trẻ là điều cần thiết. Những câu từ trong sáng, áng thơ chân thành cùng sự tử tế bình dị của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ là lý do hoàn hảo nhất để chúng ta cùng ngồi lại, quay về tiếng Việt, ngắm nhìn những con chữ hiền hòa và yêu thêm ngôn ngữ mẹ đẻ.
Tại Hội An, những bài thơ duyên dáng, lấp lánh trong ánh hoa đăng được thả trôi giữa lòng phố cổ thi vị. Tại Hải Phòng, các văn nghệ sĩ cùng thời Lưu Quang Vũ sẽ tụ hội, trò chuyện về dấu ấn của thành phố cảng trong sáng tác của Lưu Quang Vũ và dự đêm thơ trong các ngày 17 - 18/4. Cuộc thi sáng tác mang tên “Viết cho em từ cửa biển” cũng được tổ chức dịp này…
“Se sẽ chứ 2021” chứng minh rằng dù những người trẻ có khao khát vươn mình ra ngoài thế nào đi chăng nữa thì khoảnh khắc quay vào bên trong, lắng nghe âm điệu thi ca bằng tiếng mẹ đẻ vẫn là giây phút hạnh phúc và đẹp đẽ hơn cả…
Và Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại
Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được sinh ra vào một buổi trưa nắng đẹp, năm Mậu Tý, ngày 17/4/1948, tại thôn Gia Điền, xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, nơi cơ quan đặt trụ sở ấn loát (Bộ Tài chính).
Nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh vừa kết hôn được một tháng thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tháng 12/1946, vợ chồng theo cơ quan, tản cư lên các nơi Việt Trì, Tuyên Quang, Đầm Hồng, Bản Ti, rồi cuối cùng trụ lại ở Phú Thọ để kháng chiến.
Bà Khánh thường kể lại với các con rằng, ngày Lưu Quang Vũ ra đời, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận sung sướng lắm, cứ chạy ra, chạy vào không biết làm gì, thấy ai đi qua cũng gọi vào để khoe. “Nhà tôi yêu con lắm, mỗi khi trời bắt đầu tối là không để cho ai bế Vũ. Anh thường ôm con đi khắp nhà, không dám đứng yên một chỗ vì sợ muỗi đốt truyền bệnh sốt rét cho con. Buổi tối, ai đến nhà tôi chơi cũng phải buồn cười khi nhìn thấy cảnh đó. Mỗi khi phải đi công tác xa nhà, anh rất nhớ con và dặn dò tôi đủ mọi thứ trước khi đi”.
Đến năm 1949, khi Lưu Quang Vũ mới được mấy tháng, ông Lưu Quang Thuận, lúc đó đang là Giám đốc Nhà in Quốc gia (Ấn thư cục) đã nhập ngũ, hoạt động trong Đoàn kịch Chiến Thắng, đi lưu động khắp nơi. Hai mẹ con đã cùng nhau vượt qua những ngày tháng gian khổ nhất của cuộc đời trong sự nhọc nhằn và yêu thương của người mẹ.
Năm Lưu Quang Vũ mới 6 tuổi, hằng ngày đã phải trông em để mẹ đi chợ bán hàng xén theo chợ phiên 5 ngày một lần cách nhà mấy cây số. Những lúc ở nhà, Lưu Quang Vũ thường đọc các bài ca dao, tục ngữ được bố dạy rồi dạy lại cho các em. Khi mẹ đi chợ về muộn, Vũ dắt mấy em ra đỉnh dốc ngóng mẹ…
Sau này, chính cuộc sống gian khổ, vất vả đồng thời cũng rất trong sáng, lãng mạn trong khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, giàu chất thơ của vùng đồi Phú Thọ đã để lại dấu ấn đậm nét trong tâm hồn cậu bé Lưu Quang Vũ, trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt sáng tác của ông.
“Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh Gửi Lại” là bộ phim tài liệu ra mắt đúng vào dịp kỉ niệm 20 năm ngày mất của cặp vợ chồng nghệ sĩ tài hoa. Cuộc đời và tình yêu của họ được tái hiện đầy xúc động qua những tác phẩm mà họ “gửi lại” cho đời cùng những kí ức đẹp đẽ còn lưu giữ trong lòng gia đình, bạn bè và những người trân quý tài năng của hai thi sĩ.
Phim được thực hiện bởi đạo diễn NSND Nguyễn Thước, đạo diễn Bùi Tuấn và nhà quay phim Hoàng Tấn Phát, tất cả đều là những người đã từng gắn bó với vợ chồng hai thi sĩ bạc mệnh. Vượt lên trên tất cả những câu chuyện bi thương, những ký ức còn sót lại trong tâm trí chính là thứ hành trang mà họ trân quý suốt cả cuộc đời.
Đạo diễn Nguyễn Thước kể: “Trong thời gian làm phim, cái khó khăn nhất là tư liệu. Không có một hình ảnh nào về anh chị ấy ngoài những bản thảo thơ, văn và kịch, một số ảnh gia đình còn lưu giữ, một số vở kịch Đài Truyền hình đã quay. Họ đã mải mê sống, mải mê làm việc, mải yêu thương mà quên mất việc lưu giữ hình ảnh của mình”…
Và rồi, sau cuốn phim tài liệu về Lưu Quang Vũ, bạn yêu thơ được đắm mình trong những vần thơ, những câu hát từ thơ của hai thi sĩ tài hoa. NSND Lan Hương mang đến tâm trạng ngổn ngang yêu của Xuân Quỳnh qua bài “Vô đề II” (Viết cho Vũ), để rồi nối tiếp là chồng chị, NSƯT Đỗ Kỷ bước tới với những an ủi, vỗ về bằng bài “Thơ ru Quỳnh ngủ” và một bó cúc xanh.
NSND Lê Khanh với áo dài trắng thanh lịch không đọc thơ hay diễn kịch mà nói về một thời đại kịch của Lưu Quang Vũ, thời đại mà chị có cơ hội được dự vào như một diễn viên trẻ xuất sắc trong các vở kịch của ông. Lê Khanh cho rằng “Lưu Quang Vũ là người được chọn”.
Việt Anh của Vlog 1977 bước lên sân khấu với áo quần, đầu tóc và đôi dép khiến nhiều người có thể tưởng nhầm là Lưu Quang Vũ trở về, chậm rãi đọc bài thơ “Có những lúc” của Lưu Quang Vũ với giọng khàn khàn mà vang sâu rất lạ. Việt Anh cũng cho biết anh đã rất xúc động với bài thơ này bởi thấy mình trong đó, một gã trai trẻ bất cần, giằng xé nhưng sâu thẳm là sự trong sáng và niềm tin mãnh liệt vào con người, vào cuộc đời.
“Se sẽ chứ” được lấy cảm hứng từ câu thơ trong bài “Vườn trong phố” của Lưu Quang Vũ: “Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất”. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói rằng: Di sản nghệ thuật của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tình yêu của họ, tinh thần của họ, là một cái cớ tuyệt vời để xui người ta lục lọi trí nhớ, đọc lại thơ, đọc tiếp thơ, nói với nhau về thơ mà không ngần ngại.
“Sau 3 mùa tổ chức “Se sẽ chứ” rất thành công vào 2019 và 2020, tôi muốn rút khỏi vai trò tổ chức cố định. Tôi nghĩ mình nên là người đi “châm lửa” để từng đốm thơ sẽ sáng dần lên thành những điểm thơ. “Se sẽ chứ” nên là sự kiện của tất cả chúng ta - những công chúng của thi ca”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.
Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu. Nhưng có lẽ, thơ ca là mạch nguồn sâu lắng nhất chảy dọc thời gian đời người và thế hệ ông. Có người bạn cùng thời của ông chia sẻ rằng, bản năng thi sĩ của ông giàu có trong những nỗi buồn, trong nỗi cô đơn và khổ hạnh. Khi bị dồn vào chân tường, trong những khoảnh khắc chập chờn sáng tối, những vần thơ ám ảnh của ông tung bứt lên như muốn đối mặt với buồn đau.
“Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất” như một sự nâng niu, trân trọng lao động của người nghệ sĩ, một nhà thơ, nhà viết kịch tài năng. Lưu Quang Vũ dường như sinh ra như một dấu ấn của thời đại và ảnh hưởng của ông có lẽ còn mãi trong các thế hệ sau…