Thiếu chế tài, thực hiện không nghiêm
Điều 79 BLTTDS quy định đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Khoản 4 điều luật nói trên cũng quy định đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó. Để đảm bảo việc thu thập chứng cứ của đương sự, BLTTDS cũng quy định trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc các đương sự tự mình đi thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, do không nhận được sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ. Do đó, việc thu thập chứng cứ trong nhiều trường hợp là không thể thực hiện được. Nhiều trường hợp khác đương sự được cung cấp chứng cứ nhưng lại không đầy đủ, không chính xác và kịp thời. Nhiều đương sự trong vụ án dân sự từng bộc bạch, họ đi thu thập chứng cứ bằng các mối quan hệ riêng hoặc phải “nhờ vả” để có được chứng cứ dù việc này là việc làm chính đáng được pháp luật bảo hộ.
Ngoài việc tự bản thân đương sự khó thu thập chứng cứ, do nhận thức hạn chế nhiều vụ án đương sự không chấp hành yêu cầu giao nộp chứng cứ của Tòa án hoặc không yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ dẫn đến việc Tòa án không thể giải quyết vụ án một cách chính xác, khách quan.
Cũng theo quy định của BLTTDS, trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ.
Theo quy định tại Điều 94 của Bộ luật thì “Cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, theo quy định của Điều 389 BLTTDS, thì “Cá nhân, cơ quan, tổ chức không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp chứng cứ mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang quản lý, lưu giữ thì có thể bị Tòa án quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc cưỡng chế thi hành”, “Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, theo TANDTC quy định này còn mang tính chất chung chung, không phù hợp thực tiễn nên không khả thi. Nhiều trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ không thực hiện đúng thời hạn yêu cầu cung cấp hoặc không cung cấp chứng cứ khi nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát nên làm ảnh hưởng tới thời hạn và chất lượng giải quyết vụ án nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định và chế tài cụ thể để xử lý vi phạm và bảo đảm thực hiện những quy định nêu trên.
Ngoài ra, cũng theo quy định “Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc dân sự chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu chứng cứ”. Tuy nhiên, hiện cũng chưa có quy định về thời hạn để đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Thu thập chứng cứ được nhanh hơn
Chính vì những khó khăn trong công tác thu thập chứng cứ của cả đương sự và thẩm phán dẫn đến nhiều vụ việc dân sự không được xem xét một cách toàn diện, khách quan do thiếu chứng cứ, đây là một trong những nguyên nhân án dân sự bị hủy, sửa.
BLTTDS 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 đã sửa đổi, bổ sung quy định về chứng cứ và chứng minh nhằm làm rõ quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc thu thập chứng cứ, hậu quả của việc đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được, Tòa án chỉ thu thập chứng cứ khi đương sự không thể thu thập được hoặc khi xét thấy cần thiết.
Quy định này được nhiều chuyên gia pháp luật đánh giá nhằm phù hợp với mô hình tố tụng dân sự là xét hỏi kết hợp với tranh tụng. BLTTDS 2015 cũng bổ sung quy định về thủ tục trao đổi, chuyển giao chứng cứ giữa các đương sự để mọi chứng cứ đều công khai nhằm bảo đảm thực hiện tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án; sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong việc thực hiện những biện pháp thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm việc thu thập chứng cứ được nhanh chóng, thuận lợi hơn, khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn.