"Mỹ nhân kế” xuất hiện hầu như đồng thời với sự xuất hiện của lịch sử loài người, dựa trên bản năng tình dục, tình ái của con người và được sử dụng ngày một biến ảo trong đấu tranh chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội...
Nhiều ngàn năm nay, các cơ quan tình báo, gián điệp đã coi “mỹ nhân kế” (mỹ nam kế, tình dục đồng giới) là vũ khí cực kỳ lợi hại trong hoạt động tình báo, chủ yếu để moi tin và hăm doạ, khống chế, tuyển mộ.
Bộ An ninh Quốc gia (ANQG) CHDC Đức, Staatszicherheit thường gọi tắt là Stasi, được thành lập vào tháng 4/1950 và với thời gian đã trở thành một trong những cơ quan tình báo có hiệu quả cao nhất, trong đó cơ quan tình báo đối ngoại của CHDC Đức được coi là một trong 5 cơ quan tình báo mạnh nhất thế giới cùng với KGB (của Liên Xô), Mossad (của Israel), CIA (của Mỹ) và MI-6 (của Anh).
"Mỹ nam kế"
Stasi là một trong những cơ quan tình báo nổi danh nhất về lợi dụng mối quan hệ giữa tình báo với tình ái/tình dục và bằng tuyệt chiêu “mỹ nam kế”, họ đã giành được thành công to lớn.
Chính vì những thành công đó của Stasi mà dư luận phương Tây cho rằng, HVA đã thực sự có một chiến dịch tình báo vận dụng “mỹ nam kế”, sử dụng các “gián điệp Romeo” đánh sang CHLB Đức chuyên nhằm vào các nữ thư ký, quan chức trong bộ máy nhà nước CHLB Đức để rồi moi lấy những bí mật.
Chính vì những thành công đó của Stasi mà dư luận phương Tây cho rằng, HVA đã thực sự có một chiến dịch tình báo vận dụng “mỹ nam kế”, sử dụng các “gián điệp Romeo” đánh sang CHLB Đức chuyên nhằm vào các nữ thư ký, quan chức trong bộ máy nhà nước CHLB Đức để rồi moi lấy những bí mật.
Sở dĩ họ dùng thuật ngữ “gián điệp Romeo” là do đa số các tình báo viên mà Stasi đánh sang Tây Đức đều là đàn ông độc thân. HVA không cấm họ có bạn gái ở Tây Đức và nếu như từ đó phát hiện những quan hệ có triển vọng mà HVA quan tâm thì càng tốt.
Thượng tướng Markus Wolf (phải). |
Thượng tướng Markus Wolf, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (HVA) của Stasi (Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức) cho rằng, dư luận phương Tây đã cố gán ghép cho Stasi việc cố tình sử dụng đàn ông trẻ đẹp để quyến rũ các nữ thư ký trẻ, cô đơn, đáng thương, lợi dụng quan hệ tình ái để lung lạc các cô gái, buộc họ làm việc, rồi cuối cùng bỏ rơi họ.
Theo Markus Wolf, ngoài động cơ quan điểm chính trị, lý tưởng, tiền bạc và sự háo danh, các điệp viên cộng tác với HVA còn cả vì tình yêu, sự gắn bó cá nhân. Trên thực tế, quả thực có những trường hợp nhân viên tuyển mộ hay tình báo viên bất hợp pháp của Stasi thu hút đối tượng nữ cộng tác trên cơ sở quan hệ cá nhân, dùng các lý do ngụy trang khác nhau để lôi kéo họ cung cấp tin tức mà không bộc lộ mình là ai.
Trong nhiều trường hợp, họ đã lập gia đình với nhau. Họ quen biết nhau thật khác thường, sau đó là cuộc hôn nhân hạnh phúc, con cái, nhưng cũng có người phải chia tay. Đáng buồn hơn là khi phải triệu hồi người chồng do bị lộ, đôi khi không thể đưa người vợ về cùng và khi đó sẽ có chuyện bắt bớ, xét xử và hiếm hơn là thậm chí bị đi tù.
Chàng Romeo đầu tiên của Stasi là Felix. Kết cục bất hạnh của cuộc tình giữa anh ta với nguồn tin Norma của mình đã khiến HVA phải nhanh chóng gọi anh ta về. Kết quả là một trái tim tan vỡ, một gánh nặng tinh thần mà Felix còn phải chịu đựng trong một thời gian dài.
Trước đó, Felix đã đề xuất với cấp trên sử dụng một tình báo viên nam giới tiếp cận, tác động và moi tin từ Gudrun, một nữ thư ký trong bộ máy của Chánh Văn phòng Thủ tướng Tây Đức Globke. HVA đã cử Herbert S. (bí danh là Astor) đảm nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Astor là một phi công thể thao và thời chiến đã từng là thiếu tá trong bộ tham mưu của Thống chế Albert von Kesselring (tội phạm chiến tranh phát xít bị toà án binh Anh xử bắn ở Italia).
Khi bị Liên Xô bắt làm tù binh, Astor đã thay đổi quan điểm chính trị và sau khi được thả, Herbert đã tuyên bố trung thành với lý tưởng của CHDC Đức. HVA đã lợi dụng việc Astor từng là đảng viên quốc xã và có quan hệ với những sĩ quan cũ trong giới thân cận của Kesselring để tạo lý do nguỵ trang vững chắc cho Astor di cư từ CHDC Đức sang CHLB Đức và xâm nhập thuận lợi vào thủ đô Bonn.
Giữa những năm 1950, Astor đã được phái đến Bonn, trở thành người môi giới buôn bán bất động sản và gia nhập vào câu lạc bộ không quân danh giá ở Hangelar, nơi các thành viên chính phủ thường lui tới. Nhờ đó, anh đã thiết lập quan hệ bạn bè với Gudrun, đối tượng mà Felix đã giới thiệu cho HVA.
Ngay trong những buổi đầu tiên Astor làm quen với Gudrun, HVA đã nhận được tin tức về những người trong giới thân cận của Thủ tướng Tây Đức Adenauer và những câu chuyện của họ, về những tiếp xúc của tướng Reinhard Gehlen (chỉ huy cơ quan tình báo Tây Đức) với Thủ tướng Tây Đức và Chánh Văn phòng Thủ tướng Globke.
Dần dần đôi này mê mẩn, xoắn suýt với nhau.
Một thời gian sau, Astor đề xuất tuyển bạn gái của mình làm điệp viên bằng cách tự nhận là sĩ quan tình báo Liên Xô vì trong mắt của cô ta, một cường quốc như Liên Xô dĩ nhiên là đáng nể hơn là nước CHDC Đức nhỏ bé. Astor đã tuyển thành công Gudrun tại khu nghỉ đông xa xôi ở Thuỵ Sĩ. Nhưng đáng tiếc là do Astor mắc bệnh phổi nên HVA buộc phải gọi anh ấy về.
Điều đó cũng có nghĩa là chấm hết sự cộng tác của Gudrun bởi cô ấy làm gián điệp là vì tình yêu đối với anh ấy, chứ không phải vì tò mò hay thích phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng sự chia ly của họ cũng đã tạo điều kiện cho HVA sử dụng những thông tin do Gudrun cung cấp vào chiến dịch chống lại Globke, buộc cho ông ta phải về vườn sớm vào năm 1963.
Những Don Juan trong thế giới hai mặt
Năm 1961, tình báo CHDC Đức phái Rolan G., giám đốc một nhà hát nổi tiếng ở Saxony, đi Bonn để làm quen với một phụ nữ đang làm phiên dịch tại tổng hành dinh NATO ở Phontenebleau, Pháp. Đó là một đàn ông điển trai, học thức cao, phong thái quý tộc, thích hợp với vai một Don Juan hơn là một chàng Romeo trẻ đẹp chung tình, tóm lại là một ứng cử viên thiên bẩm cho nhiệm vụ mà anh được giao.
Để thực hiện mục đích này, anh đã vào vai một nhà báo Đan Mạch có tên Kai Petersen, nói tiếng Đức giọng Đan Mạch. “Đối tượng” của anh là Margarita, một tín đồ Cơ Đốc sùng đạo và nhiệt tâm, lễ độ và nhút nhát. Những điệp viên Romeo khác cũng đã cố tiếp cận cô ấy nhưng đều uổng công.
Hồ sơ lưu trữ của Stasi hiện đang ở Berlin. Một phần hồ sơ được trưng bày cho khách tham quan. |
Ngay trong chuyến đi, anh đã quyến rũ được người phụ nữ trẻ và tiết lộ mình là sĩ quan tình báo quân sự Đan Mạch. Mọi chuyện diễn ra êm ả một thời gian ngắn. Margarita cung cấp cho người tình những thông tin mật của tổng hành dinh NATO để chuyển cho HVA.
Nhưng một ngày đẹp trời, đột nhiên Margarita nói là cô thấy ngày càng cắn rứt lương tâm và thêm nữa là cảm thấy quan hệ của họ là tội lỗi. Chàng tình báo viên Đông Đức vắt óc suy tính xem phải làm gì, rồi sau khi bàn bạc với các giao liên của mình ở Karl Marx Stadt, anh đã cùng với Margarita đi Jutland.
Tại đó, một cán bộ của HVA nói tiếng Đan Mạch, tự xưng là cha tuyên uý quân đội Đan Mạch đã nghe Margarita xưng tội. Khi HVA buộc phải gọi Roland G. về vì sợ anh bị phản gián theo dõi, Margarita đã ở lại Tây Đức.
Ban đầu, cô sẵn sàng cung cấp tài liệu cho một điệp viên khác, nhưng không lâu sau, cô không còn hào hứng làm việc nữa. Giống như Gudrun, người phụ nữ này làm gián điệp chỉ vì người đàn ông cô yêu.
(Còn tiếp)