Các cơ chế đặc thù đã phát huy hiệu quả
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tại buổi làm việc, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đưa ra các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới cho nước ta. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP với nhiều giải pháp tổng thể, đồng bộ, trong đó lĩnh vực GTVT thuộc nhóm nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, đề xuất 6 dự án hạ tầng giao thông quan trọng và một số dự án cấp thiết để sử dụng nguồn vốn từ Chương trình. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay hầu hết các dự án đã khởi công, triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ, tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định. Các cơ chế đặc thù được QH thông qua đã phát huy hiệu quả trên thực tế.
Về phía Kiểm toán Nhà nước (KTNN), qua kiểm toán, KTNN đánh giá cao các kết quả đạt được trong triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của QH và Nghị quyết số 11/2022/NQ-CP của Chính phủ. KTNN cũng nêu một số đề nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ và một số tỉnh, TP. Đối với thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia, KTNN ghi nhận, một số dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành tuyến chính và đưa vào khai thác sử dụng góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị các tỉnh Nam Trung Bộ, từng bước hoàn thiện hạ tầng đường bộ. Cùng với việc chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai các dự án, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 327,16 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác là 755,06 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, từ hoạt động thực tế, KTNN và Thanh tra Chính phủ bổ sung đánh giá về tính tuân thủ pháp luật trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về thời hạn thực hiện, nghĩa vụ được giao, phân bổ nguồn lực; chỉ rõ quy định pháp luật có thể tạo ra “lỗ hổng”, sơ hở trong quá trình thực hiện...
Đánh giá kỹ vướng mắc trong thực hiện các cơ chế đặc thù
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Đặng Thủy). |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Một nguồn lực lớn của Chương trình và nguồn ngân sách nhà nước đã được dành để đầu tư các dự án quan trọng, cấp thiết, có ý nghĩa lớn về phát triển KT-XH, góp phần phục hồi và phát triển KT-XH, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực giao thông.
Ghi nhận các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ đã khẩn trương, nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH, Phó Chủ tịch QH lưu ý một số vấn đề như việc phân bổ vốn đầu tư của Chương trình chậm, kéo dài, nhiều lần, danh mục đề xuất phải thay đổi, điều chỉnh. Việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình còn chậm trễ, không bảo đảm hoàn thành dự án theo thời hạn đề ra tại Nghị quyết 43/2022/QH15, QH đã phải gia hạn thời gian thực hiện đến 31/12/2024.
Bên cạnh đó, việc điều hòa giữa vốn của Chương trình và nguồn vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm trễ, chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn; các cơ chế đặc thù có nơi, có dự án còn khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là khai thác mỏ vật liệu, đất đắp; công tác giải phóng mặt bằng có dự án không đáp ứng tiến độ.
Đối với thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia, Phó Chủ tịch QH đánh giá cao Bộ GTVT đã tích cực, trách nhiệm trong khâu tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt được triển khai, nhiều nội dung công việc đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, qua báo cáo của Bộ và ý kiến của thành viên Đoàn giám sát cho thấy, hầu hết các bước trong quy trình đầu tư của nhiều dự án đang thực hiện bị chậm tiến độ; có dự án do chuẩn bị đầu tư chưa tốt nên dự kiến phải bố trí thêm vốn, tăng tổng mức đầu tư; công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu bị kéo dài.
Phó Chủ tịch QH đề nghị Bộ GTVT, KTNN, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Trong đó, Bộ GTVT đánh giá kỹ hơn hiệu quả, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế đặc thù như chỉ định thầu, khai thác mỏ vật liệu, giao các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh, TP...
Một số ý kiến lưu ý, Bộ GTVT cần chú ý theo dõi, chỉ đạo để bảo đảm quá trình xây dựng một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông nói chung tuân thủ đúng yêu cầu theo các Nghị quyết của QH về việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm yêu cầu đồng bộ, chất lượng, hiệu quả; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện thu phí không dừng trong khai thác vận hành.
Trước thực tế việc thiếu vật liệu, cát san lấp mặt bằng đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhiều dự án giao thông đường bộ, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn được QH giao, Đoàn giám sát đề nghị Bộ GTVT sớm xác định giải pháp cung ứng vật liệu, cát san lấp mặt bằng cho các dự án giao thông đường bộ; báo cáo kết quả việc thí điểm sử dụng cát biển để san lấp mặt bằng…