Khi chọn tên nhãn hàng, CEO Đỗ Ngọc Hòa (SN 1983) cùng bạn bè suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng cả nhóm quyết định lấy tên “Rain coffee” có nghĩa “mưa cà phê” với mong muốn cà phê nguyên chất sẽ ngày càng phát triển mạnh, lan rộng như những cơn mưa.
Năm 2016, Rain coffee được tôn vinh sản phẩm uy tín chất lượng tại chương trình “Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất, Lễ hội quảng bá và văn hóa thưởng thức cà phê lần thứ 3” do Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam tổ chức. Dự án khởi nghiệp của Hòa là một trong sáu dự án Startup tiềm năng được VCCI trao tặng đồng tiền khởi nghiệp năm 2016. Dự án còn lọt vào top năm dự án Startup của chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Kickstart Accelerator 2017 và là một trong các dự án được tham gia gọi vốn trong chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ- Chương trình truyền cảm hứng cho các người chơi là doanh nhân khởi nghiệp.
Cách đây năm năm, trong một lần ngồi uống cà phê trên phố Tô Hiệu, Hòa cùng bạn bè được mời thưởng thức cốc cà phê rang xay. Chàng kĩ sư xây dựng bị cuốn hút bởi hương vị khác lạ, tự nhủ “đây chính là điều người tiêu dùng đang tìm kiếm”.
Tìm hiểu, Hòa biết được đó là hương vị của hạt cà phê rang xay nguyên chất, không tẩm ướp bất kì phụ gia nào. Anh càng đau đáu khi Việt Nam thuộc top đầu về xuất khẩu cà phê nhưng người tiêu dùng lại không được thưởng thức sản phẩm đúng nghĩa.
Từ những trăn trở này, Hòa cùng bạn quyết tâm khởi nghiệp tìm lại giá trị thật cà phê Việt, nuôi tham vọng góp phần định vị lại bản đồ cà phê Việt Nam. Tốt nghiệp đại học kiến trúc, ngành kĩ sư xây dựng với mức lương khá, nhưng đầu năm 2015 Hòa quyết định nghỉ việc để chuyên tâm vào kinh doanh cà phê hạt rang xay. Anh dự đoán nhu cầu thưởng thức cà phê sạch sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng trong tương lai.
Gom góp tiền tiết kiệm, vay mượn, tháng 3/2015 Hòa chung vốn thuê mặt bằng khoảng 60m2 trong ngõ phố Tô Hiệu mở quán cà phê rang xay khởi nghiệp. Thời điểm đó khái niệm cà phê hạt rang xay còn mới mẻ, ở phía Bắc chỉ có vài quán ở khu phố cổ.
Rain coffee được vinh danh “sản phẩm uy tín chất lượng” |
Tâm huyết với hạt cà phê
Ngay từ đầu, Hòa xác định sẽ đi theo mô hình kinh doanh chuỗi giá trị, chia thành hai “nhánh” chính gồm sản xuất, phân phối cà phê sạch và nhượng quyền thương hiệu. Ông chủ “mưa cà phê” giải thích mô hình kinh doanh chuỗi sẽ tối ưu chi phí đầu tư, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có trong xã hội và phù hợp với những bạn trẻ ít vốn khởi nghiệp.
Trước khi mở quán, Hòa khăn gói vào Đắk Lắk, Lâm Đồng tìm nguồn nguyên liệu. Anh theo chân những người nông dân quan sát tỉ mỉ cách thức thu hoạch, sơ chế hạt cà phê tại vườn: “Có vùng người dân hái cà phê về sấy khô luôn, nơi lại sấy hạt ướt hoặc ngâm qua hạt cà phê trước khi sấy. Mỗi phương pháp cho ra những hương vị cà phê khác nhau. Nguyên liệu đầu vào quyết định đến 80% chất lượng cà phê thành phẩm”, anh đúc rút kinh nghiệm.
Sau nhiều tháng, anh tìm chọn được hai cơ sở cung cấp nguyên liệu cùng chung chí hướng. Anh sẵn sàng trả giá thu mua nguyên liệu cao hơn 30-40% so với thị trường. Đổi lại cà phê nhập về “Rain coffee” phải đảm bảo các tiêu chí như độ chín của hạt trên 98%, không nhập hạt xanh, hạt non.
Giải xong bài toán vùng nguyên liệu, anh lại lặn lội xuống TP HCM tìm cơ sở thuê sơ chế. Kinh nghiệm được Hòa chia sẻ là chỉ đưa vào chuỗi kinh doanh của mình những cơ sở được đầu tư máy móc hiện đại, chủ cơ sở có tâm với ngành cà phê.
Hạt cà phê sau khi sơ chế được chuyển ra Hà Nội. Chính tay Hòa sẽ tự rang lại và pha trộn các dòng cà phê (gọi là Mix café) để cho ra các “gu” cà phê khác nhau. Đây là lúc anh vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức học tập được từ những người chuyên thưởng thức cà phê và người trồng cà phê. Anh ví dụ như dòng Robusta (cà phê vối) mang đặc trưng vị đắng và đậm. Trong khi dòng Arabica (cà phê chè) lại chua và thơm. Loại thứ ba là cà phê Culi, tức là những hạt biến dị trên cây cà phê chè, cà phê vối sẽ có vị chát đặc trưng.
Dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Rain coffee. |
Về chiến lược giới thiệu sản phẩm, anh tuyển 10 bạn sinh viên mang theo cà phê, sữa, đường và đá lạnh lên “túc trực” quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm mời khách thưởng thức miễn phí.
Nhiều người trả lời thứ nước họ vừa uống không phải cà phê. Nghe vậy, Hòa vui vẻ đưa khách tấm danh thiếp có mặt sau in thông tin cơ bản để mọi người tự phân biệt cà phê nguyên chất và loại đã tẩm hóa chất. Chẳng hạn như cà phê nguyên chất khi đổ nước vào sẽ lâu chìm, nở bung khi pha và có màu nâu đặc trưng chứ không phải màu đen đậm. Cà phê nguyên chất không sánh đặc như cà phê trộn chất phụ gia.
Mặt khác, anh tích cực tham gia các cuộc hội thảo để vừa học tập kinh nghiệm vừa là cơ hội giới thiệu sản phẩm trực tiếp. Anh nhớ lại: “Tâm lý chung mọi người từ đường phố đến phòng hội thảo đều dè dặt với cà phê hạt rang xay nguyên chất”.
Chiến thuật sau sáu tháng đã thu hoạch được những thành công ban đầu. Một vài vị khách đã gọi lại số hotline trên tấm danh thiệp để được uống cà phê hạt rang xay. Khách được mời tới quán trải nghiệm toàn bộ quy trình pha chế cà phê sạch.
Một cửa hàng nhượng quyền thương hiệu của Rain coffee. |
Tôn chỉ hàng đầu đúng chất lượng đã cam kết
Sau khi thử nghiệm nhận thấy có thể duy trì kinh doanh, tháng 7/2016, anh thành lập công ty cổ phần Rain Coffee với slogan “Nơi hội tụ cà phê nguyên chất”. Thời gian đầu mỗi tháng công ty khiêm tốn tiêu thụ 20-30kg cà phê hạt rang xay. Sản lượng tăng dần qua các năm. Đến thời điểm này, rain coffee cung ứng ra thị trường hơn tấn cà phê mỗi tháng.
Anh chia sẻ nhờ mô hình liên kết với người nông dân, chọn đơn vị thuê gia công nên không phải tốn kém chi phí đầu tư máy móc. Ở công ty cũng chỉ duy trì sáu nhân viên “cứng” gồm chuyên gia pha chế, kế toán nên chi phí không nhiều. Với đội ngũ kinh doanh thị trường, công ty thuê cộng tác viên với lương cứng hai triệu đồng/tháng, muốn tăng thu nhập phải tăng doanh số bán hàng để được hưởng chiết khấu %.
Sau một năm hoạt động, Rain coffee thu được những đồng lợi nhuận đầu tiên. Số tiền đó được tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Anh quyết định “dấn thân” sâu hơn vào lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu - Khái niệm tương đối mới ở Việt Nam cách đây 3 năm. “Đây là mô hình hiệu quả để phát triển thị trường và quảng bá thương hiệu tiết kiệm, hiệu quả. Các đơn vị được nhượng quyền sẽ trở thành đại lý của Rain coffee. Đây cũng là mô hình các doanh nghiệp kinh doanh cà phê nổi tiếng đang áp dụng như Highlands, Trung Nguyên, Starbucks”, anh chia sẻ.
Hiện Rain coffee đã có 13 cơ sở nhượng quyền ở khu vực phía Bắc. Để giữ gìn uy tín nhãn hàng, anh đều phải gặp gỡ trực tiếp kiểm tra. Tiêu chí trước tiên phải là những người không đặt mục đích lợi nhuận lên trên hết mà phải có trách nhiệm với xã hội, phải cam kết bán 100% cà phê hạt rang xay nguyên chất. Tại các quán cà phê này đều có số hotline công ty để người tiêu dùng góp ý.
Ngoài ra, công ty cũng thường xuyên “bí mật” kiểm tra các cơ sở được nhượng quyền. Rain coffee luôn có chính sách hỗ trợ tối đa cho đơn vị được nhượng quyền từ khâu tư vấn chọn địa điểm, thiết kế menu, hỗ trợ thi công quán đến hỗ trợ máy rang xay cà phê, tặng cốc, hỗ trợ chuyên gia về tận nơi hướng dẫn pha chế: “Nói tóm lại nếu một người đam mê muốn kinh doanh cà phê, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa để người đó có thể vận hành, quản lý được một quán cà phê phù hợp với năng lực bản thân”.
Bật mí về tôn chỉ kinh doanh, CEO Rain coffee cho hay luôn thượng tôn pháp luật. Bởi bên cạnh lòng tin, những bản hợp đồng cam kết chất lượng là hành lang pháp lý an toàn trong thời buổi bùng nổ kinh tế thị trường.
Tôn chỉ nữa là chỉ sản xuất cà phê nguyên chất theo đúng chất lượng đã cam kết. Chẳng hạn tất cả túi đựng cà phê của công ty đều được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, là túi van một chiều đảm bảo chất lượng cà phê trong quá trình bảo quản. Rain coffee cũng đăng ký mã vạch tiêu chuẩn toàn cầu để người dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Rain coffee là thành viên Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam. Tất cả như lời CEO Hòa, công ty cam kết luôn bán sản phẩm chất lượng, có trách nhiệm với người dùng.
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công, Hòa đúc rút bài học bản thân đó là tuyển chọn các đối tác tham gia chuỗi giá trị tâm huyết với nghề. Anh đặt tôn chỉ chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, giúp người nông dân trồng cà phê đến nhân viên tiếp thị, chủ cơ sở được nhượng quyền hiểu được rằng chỉ khi tất cả mọi người cùng làm tốt thì sản phẩm mới có đầu ra, người lao động mới có thu nhập ổn định.