Ra sức ngăn chặn khả năng tên lửa
Theo hãng tin CNN dẫn lời ông Mike Pompeo phát biểu tại diễn đàn an ninh do Tổ chức Phòng thủ dân chủ (FDD) tổ chức ở Washington, “theo quan điểm của Mỹ, chúng tôi luôn tìm mọi cách để mối đe dọa từ Triều Tiên không thể xảy ra. Hiện Mỹ đang ở thời điểm mà Tổng thống Trump cho rằng Mỹ phải tiến hành một nỗ lực toàn cầu để đảm bảo rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không thể thực hiện được khả năng tên lửa của mình. Nhưng trong tình hình hiện tại, dường như họ đã đi quá xa và giờ vấn đề là phải chuẩn bị những bước đi cuối cùng để ngăn chặn mối đe dọa này”.
Ông Pompeo còn nghi ngờ Triều Tiên được Iran giúp đỡ phát triển vũ khí hạt nhân vì 2 nước có quan hệ sâu sắc trong lĩnh vực này. “Triều Tiên càng thử tên lửa thì càng thúc đẩy khả năng tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Á”, ông Pompeo cảnh báo.
Được biết, ông Pompeo là một trong số những quan chức có khả năng nhìn nhận chính xác về cuộc đối đầu quân sự với Triều Tiên và chương trình tên lửa hạt nhân của nước này. Ông cho biết chỉ trong vòng 5 tháng nữa Triều Tiên có thể sẽ hoàn thành khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Cảnh báo này được ông đưa ra khi mới đây Bình Nhưỡng đe dọa sẽ tấn công Mỹ bằng một tên lửa đạn đạo tầm xa có gắn đầu đạn hạt nhân.
Mỹ không chấp nhận bị Triều Tiên đe dọa
Cũng tại sự kiện trên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster cũng cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ không bao giờ chấp nhận việc Triều Tiên trở thành quốc gia hạt nhân. “Ông ấy sẽ không chấp nhận để Triều Tiên đe dọa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Nhiều người nói rằng tại sao không chấp nhận và sau đó tìm biện pháp ngăn chặn. Nhưng đối với ông Trump chấp nhận là điều không thể xảy ra”, ông McMaster nói. Ông McMaster cho rằng chính quan điểm này của ông Trump đã đặt Mỹ vào một cuộc đua để giải quyết vấn đề Triều Tiên và nhấn mạnh rằng “giải quyết bằng quân sự chưa bao giờ là một lựa chọn đúng đắn”.
Triều Tiên đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và là vụ mạnh nhất là vào tháng 9 vừa qua. Nước này tuyên bố đã kích nổ một quả bom nhiệt hạch gắn trên một tên lửa. Không những thế, Bình Nhưỡng cũng vẫn đang liên tục làm việc để tăng cường khả năng tên lửa của mình, bắn ra 22 tên lửa trong suốt 15 vụ thử nghiệm từ tháng 2 đến giữa tháng 9 năm nay.
Cộng đồng quốc tế vẫn luôn kêu gọi Triều Tiên thận trọng với hành động hung hăng của mình, đồng thời hối thúc nước này và Mỹ đối thoại và xây dựng lòng tin giữa với nhau. Tuy nhiên, không chỉ phía Triều Tiên, Tổng thống Trump cũng đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn và thậm chí là bác bỏ nỗ lực đàm phán ngoại giao của Ngoại trưởng Rex Tillerson và nói rằng sẽ sẵn sàng có hành động quân sự.
Khả năng xảy ra xung đột cao
Cựu Giám đốc CIA John Brennan trong tuần qua cũng đưa ra ý kiến trong vấn đề Triều Tiên, “viễn cảnh xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên hiện tại có nguy cơ lớn hơn rất nhiều so với những gì diễn ra trong vài thập niên qua. Không chắc chắn về điều gì, nhưng khả năng này khó có thể xảy ra”.
Ông Brennan cũng đã phác thảo ra một kịch bản trong tương lai rằng, “một số hoạt động quân sự gây hấn nhỏ sẽ diễn ra và hậu quả là một số trường hợp thiệt mạng, từ đó dẫn đến hành động đáp trả, kéo theo đó là tình hình leo thang căng thẳng cũng ngày càng gia tăng nghiêm trọng hơn”. Ngoài ra, ông Brennan cũng nói đến việc Triều Tiên thậm chí cũng sẽ tăng cường khả năng tấn công an ninh mạng. Cựu Giám đốc CIA cũng nói thêm rằng cần phải cân nhắc và xem xét mọi kịch bản có thể dẫn đến sự leo thang căng thẳng và từ đó Mỹ cần phải tránh đụng chạm.
Nói về cách xử lý vấn đề Triều Tiên trong thời gian qua của ông Trump, ông Brennan nói rằng nó không hiệu quả. “Hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia luôn công kích nhau thông qua lời lẽ và tôi không cho rằng cách giải quyết mà ông Trump đang làm là mang tính xây dựng và có hiệu quả”, ông Brennan nói. Ngược lại, ông McMaster lại ca ngợi việc Trump xử lý cuộc khủng hoảng và nói rằng chính quyền ông Trump đã tạo nên một khả năng hợp tác trong cộng đồng quốc tế “chưa từng có tiền lệ” về vấn đề này.
Ông McMaster cũng ca ngợi những nỗ lực của Ngoại trưởng Tillerson nhằm tăng sức ép của quốc tế lên Triều Tiên, thuyết phục các quốc gia cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, trục xuất các đại sứ của nước này và trong một số trường hợp còn cấm công dân Triều Tiên.