Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1358/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP)".
Sẽ có 7 nội dung thực hiện đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP. |
Kế hoạch này xác định rõ những nội dung cụ thể đối với các hoạt động để thực hiện Đề án, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, sẽ có 7 nội dung thực hiện đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP.
Hoàn thiện các chế định
Yêu cầu đầu tiên của Đề án là hoàn thiện chế định GĐTP, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý GĐTP đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Cụ thể, trong năm 2010-2011, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về GĐTP phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và hoàn thiện các quy định pháp luật về GĐTP; xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật GĐTP.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống tổ chức GĐTP. Theo đó, sẽ củng cố, phát triển các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần ở trung ương thành các Trung tâm đầu ngành; đồng thời, huy động, thu hút các cơ quan, tổ chức chuyên môn có năng lực, điều kiện ở các lĩnh vực tham gia hoạt động GĐTP, bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng..
Thứ ba, xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ người GĐTP đủ về số lượng, đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và có kiến thức pháp lý cần thiết để phục vụ đắc lực hoạt động tố tụng trước yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp.
Bên cạnh đó, từ nay đến 2013 sẽ nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút đội ngũ nhà chuyên môn, chuyên gia giỏi tham gia hoạt động GĐTP; hoàn thiện chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cá nhân tham gia hoạt động giám định.
Ngoài ra, Đề án cũng đặt mục tiêu tăng cường và từng bước bảo đảm cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự theo hướng hiện đại, tiến tới đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới, được thực hiện trong giai đoạn từ 2010-2015; đổi mới hoạt động trưng cầu, yêu cầu và thực hiện giám định; đổi mới hoạt động đánh giá kết luận giám định; nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan và toàn xã hội về vị trí, vai trò và nội dung của GĐTP; Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về công tác GĐTP.
Lập Ban Chỉ đạo 2 cấp
Để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1359/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP" (BCĐ) ở cấp Trung ương.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách công tác tư pháp làm Trưởng ban; Phó Trưởng ban Thường trực là Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Ủy viên BCĐ là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
BCĐ có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc tổ chức triển khai để thực hiện có hiệu quả Đề án; tổ chức phối hợp các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, chỉ đạo việc lồng ghép, phối hợp các chương trình, kế hoạch, nguồn nhân lực của các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện Đề án theo những yêu cầu, mục tiêu chung.
Trong thời gian 1 tháng tới, BCĐ thực hiện Đề án ở cấp tỉnh cũng sẽ được thành lập gồm: 1 lãnh đạo UBND cấp tỉnh là Trưởng ban; Giám đốc Sở Tư pháp là Phó Trưởng ban Thường trực và các thành viên là lãnh đạo một số Sở, Ban, ngành theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp./.
Tuấn Khang