Tăng trưởng nhanh, tranh chấp càng nhiều
Tại hội thảo “Thúc đẩy giải quyết tranh chấp (GQTC) trực tuyến trong TMĐT nhằm bảo vệ người tiêu dùng (NTD)” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hôm nay - 28/4, ông Nguyễn Hoa Cương - Viện phó CIEM - cho biết, TMĐT Việt Nam đang phát triển rất mạnh, với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm gần đây đạt 38%.
Năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng thị trường này vẫn tăng trưởng 16% , quy mô thị trường đạt 14 tỷ USD. Google, Temassk và Bain dự báo TMĐT Việt Nam sẽ đạt tới 52 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2020- 2025 là 29%.
Như một hệ quả tất yếu, số vụ tranh chấp trên môi trường TMĐT cũng có xu hướng gia tăng. Hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho NTD cũng xảy ra ngày càng phổ biến; trong đó, người dùng thường bị rơi vào các trường hợp sau: người bán hàng cung cấp thông tin về sản phẩm không đầy đủ, không chính xác về thành phần; không thực hiện trách nhiệm cung cấp hoá đơn, chứng từ giao dịch; vi phạm trách nhiệm về bảo hành, giao, nhận, đổi, trả hàng hóa; giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại; huỷ đơn hàng không có lý do...
Hội thảo cũng nhìn nhận xu hướng gia tăng về số vụ tranh chấp trên môi trường TMĐT. Ngay cả với thị trường truyền thống, với hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh hơn giải quyết những tranh chấp này có thể không nhanh, thậm chi không dễ dàng. Trên môi trường internet, việc giải quyết những vấn đề như vậy càng trở nên phức tạp hơn.
Đối với những quan ngại về các hành vi gian lận về hàng hóa, thông tin, dữ liệu thanh toán và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến, cách tiếp cận chính sách hiện nay là gia tăng hiệu quả quản lý đối với TMĐT và các bên tham gia hoạt động TMĐT. Trong khi đó, cách tiếp cận thông qua đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho xử lý tranh chấp giữa các bên tham gia TMĐT ít được lưu tâm hơn…
Phương thức nào giải quyết tranh chấp?
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM), hiện có 4 phương thức GQTC ở Việt Nam, bao gồm: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Trong đó, thương lượng, hòa giải, trọng tài là các phương thức GQTC ngoài tố tụng.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, các DN và cá nhân thường lựa chọn thương lượng (57,8%); toà án (46,8%); hòa giải (22,8%) và trọng tài (16,9%) do các cơ chế ràng buộc thực thi.
Theo ông Dương, trong bối cảnh DN Việt Nam đang chuyển dần sang sử dụng các nền tảng trực tuyến để đảm phán, sửa đổi và ký Hợp đồng, nhu cầu về GQTC trực tuyến (ODR) cũng ngày càng cao, nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đơn giản và ít chi phí hớn.
Ưu điểm của ODR là khả thi về kinh tế, hiệu quả, nhanh chóng, linh hoạt. ODR cũng tạo ra tương tác đồng bộ, không đối đầu; cho phép giao tiếp nhiều hơn, thuận tiện hơn và tiếp cận trung lập tốt hơn, lại không giới hạn phạm vi lãnh thổ; đồng thời, việc lưu trữ hồ sơ, dữ liệu, quản lý và tìm kiếm tài liệu cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, phương thức này cũng có những nhược điểm như yêu cầu về khả năng sử dụng máy tính; rào cản ngôn ngữ và – quan trọng hơn cả - vẫn còn thiếu những tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng.
Luật sư Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho biết, Trung tâm trọng tài Quóc tế Hà Nội cũng đã khởi động hệ thống GQTC trực tuyến từ tháng 6/2020, VIAC cũng đã ra mắt nền tàng hòa giải thương mại trực tuyến (Medup) và cuối tháng 3/2021.
“Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện các điều kiện để phổ biến ODR và ứng dụng ODG hứu hiệu hơn trong cả hoạt động TMĐT và thương mại truyền thống..” - Luật sự Dương đề xuất.