Chương trình nằm trong khuôn khổ Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu tài trợ.
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước – Bộ Tư pháp, bà Đỗ Thúy Vân, đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Giám đốc Sở Tư pháp một số tỉnh và nhiều chuyên gia đến từ các Bộ, ngành khác.
Phát biểu tại Hội thảo, chuyên gia Dự án Nguyễn Văn Hợi cho biết trong quá trình thực thi công vụ của cơ quan nhà nước trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, một số trường hợp có thể phát sinh sai phạm gây thiệt hại cho người dân. Để người dân, cụ thể là người bị thiệt hại biết tới quyền yêu cầu bồi thường của mình, trước hết họ cần phải nắm được quy định của pháp luật về vấn đề này.
Tuy nhiên hiện nay, một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện để tiếp cận được các nguồn thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua internet, truyền hình, sách tuyên truyền… Do đó, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP thực hiện Dự án xây dựng video phổ biến, tuyên truyền về quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại cho đối tượng thuộc nhóm yếu thế là người dân tộc thiểu số. Video tuyên truyền này được hoàn thiện sẽ là một ấn phẩm, một kênh tuyên truyền, dễ dàng truyền tải được thông điệp, truyền tải nội dung quy định của pháp luật về quyền yêu cầu bồi thường tới người dân, nhất là với đối tượng người dân tộc thiểu số.
Những nội dung được đưa vào trong video là những nội đung được chắt lọc nhất, cần thiết nhất đề người xem nắm bắt được những thông tin bao quát về quyền yêu cầu bồi thường của mình: trường hợp được bồi thường, các thiệt hại được bồi thường, quy trình giải quyết bồi thường, hướng dẫn người dân về thông tin liên hệ khi có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình yêu cầu bồi thường.
Dự thảo video gồm tên mở đầu, quy trình giải quyết bồi thường, thông tin liên lạc khi cần hỗ trợ. Tên mở đầu video được đặt là “Làm gì khi bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra” dưới dạng một câu hỏi, một tình huống mà người dân có thể gặp phải. Từ câu hỏi mở đầu trên, video nêu sơ lược một số tình huống cụ thể mà người thi hành công vụ có thể sai phạm gây thiệt hại cho người dân. Để người dân dễ hiểu khi xem video, Dự án đưa ra ví dụ thường gặp trong cuộc sống về việc thu hồi đất trái pháp luật và bắt người trái pháp luật, sau đó nêu ngắn gọn về trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với các sai phạm trên…
Phát biểu bế mạc, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Thị Tố Hằng, có 4 chuyên đề và 8 ý kiến đóng góp một cách toàn diện cho phần nội dung, hình ảnh, âm thanh, phương thức truyền tải video cũng như đề xuất công tác tuyên truyền sắp tới làm sao cho hiệu quả. Đối với việc chuyển tải video, bà Hằng đề nghị Dự án nên đưa video lên các kênh thông tin đại chúng: kênh dân tộc, truyền hình, Youtube, gửi video cho các ban, tổ chức để đưa tới thôn bản như phát hành tờ rơi…, có như vậy mới thấu đáo, đến từng đối tượng.