Giải mã yêu thương qua bữa ăn cuối năm

Cỗ cổ truyền Bát Tràng đang được rất nhiều du khách thích thú, tìm đến trải nghiệm. (ảnh: HN)
Cỗ cổ truyền Bát Tràng đang được rất nhiều du khách thích thú, tìm đến trải nghiệm. (ảnh: HN)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Văn hóa ẩm thực Việt với đặc trưng riêng biệt. Trong đó mâm cơm gia đình là một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống, ẩn chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Đạo làm người, đạo hiếu, tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình... rất nhiều giá trị có thể tìm thấy trong bữa ăn của cổ nhân.

Phong phú những món ăn

Ăn uống là một trong những nhu cầu tối quan trọng của đời sống con người. Bất kỳ con người thuộc dân tộc nào, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng cần phải ăn, thông qua việc ăn uống mà hấp thu năng lượng để tồn tại. Tuy nhiên, khác xa với loài vật, việc ăn uống của con người còn bao hàm một hành động mang tính văn hóa chứ không phải chỉ là bản năng sinh tồn. Người xưa từng có câu "ăn để sống chứ không phải sống để ăn" là có ý nghĩa như vậy.

Đối với cổ nhân người Việt, việc ăn uống nhiều khi được nâng lên tầm chuẩn mực. Hành động "ăn" không đơn giản là mở miệng, cho thức ăn vào. Từ ngàn xưa, trong mỗi bữa cơm, các bậc tiền nhân đều chỉ bảo con cháu phải ăn uống thế nào, xử sự ra sao. Ví dụ, ăn e thẹn quá cũng không được, sẽ trở thành người khách khí. Nhưng ăn uống nhồm nhoàm sẽ thành kẻ phàm phu. Nhiều khi qua cách ăn, cổ nhân có thể đánh giá phần nào về một con người. Ngày trước, các gia đình gia giáo khi kén chồng cho con gái, đều mời chàng trai đến dùng cơm. Sau đó, qua quan sát cách ăn uống, sẽ lựa chọn chàng rể ưng ý, biết ăn uống có phép tắc.

Ở thời hiện đại, điều này vẫn được tiếp diễn ở đa số các gia đình. Việc ăn uống tiếp nhận sự giáo dục từ tổ tiên truyền lại, nhiều khi trở thành văn hóa của mỗi gia đình. Ngoài một số nét riêng biệt thì vẫn còn những phép tắc phổ biến, giờ vẫn còn tồn tại. Ví như trước khi ăn phải có lời mời; trong bữa cơm, người con dâu trưởng thường phải ngồi "đầu nồi" để xới cơm... Phép tắc trong ăn uống giống như di sản được tích tụ, thừa hưởng qua nhiều thế hệ.

Kết nối những yêu thương

Cỗ Bát Tràng- Hà Nội được xem là mâm cỗ truyền thống mang đặc trưng riêng của người Hà Nội. (Ảnh: HN)

Cỗ Bát Tràng- Hà Nội được xem là mâm cỗ truyền thống mang đặc trưng riêng của người Hà Nội. (Ảnh: HN)

Cổ nhân thường có xu hướng trong bữa ăn, tập trung nhiều thế hệ của một gia đình. Có những gia đình tồn tại ba thế hệ cùng sống chung, ăn chung (tam đại đồng đường) hoặc bốn thế hệ (tứ đại đồng đường). Chỉ riêng tìm hiểu về bữa cơm gia đình của cổ nhân, cũng có thể thấy được nhiều điều lý thú. Bữa cơm phản ánh nhiều mặt về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần. Cổ nhân thường thể hiện những đạo lý quan trọng thông qua hoạt động ăn uống như tình cảm nồng thắm, thủy chung, giản dị thanh bạch nhưng có tình, có nghĩa.

Nhận định trên được thể hiện ngay trong những dụng cụ dùng để ăn uống hàng ngày. Ngày xưa, sắt thép chưa phổ biến, inox lại càng không, vì thế, thìa, dĩa chưa xuất hiện. Cổ nhân chủ yếu dùng đũa trong bữa ăn. Đũa phải có đôi, cho nên đũa chính là hiện thân của sự vẹn toàn. So sánh thú vị của người xưa, nếu bát là thuyền thì đôi đũa chính là mái chèo giúp thuyền vượt trên sóng nước.

Đũa thường được làm từ tre, loài cây luôn gắn bó với sự hình thành, phát triển của nước Việt. Không chỉ thế, cách cầm đũa còn thể hiện chuẩn mực văn hóa, đôi khi thể hiện phẩm chất con người. Cầm quá gần đầu đũa là người vụng về. Cầm quá cao là người kiêu ngạo. Cầm đũa bằng 3 ngón tay thể hiện tính người trầm tĩnh. Cầm đũa bằng cả 5 ngón lại là người thích nghi cao. Sơ lược vài quan sát của cổ nhân như thế, để thấy rằng chỉ qua một động tác nhỏ nhặt đã nói lên bao điều, dù có thể đúng, có thể sai.

Nơi tổ chức bữa cơm cũng thể hiện sự khoáng đạt của cổ nhân. Không như ngày nay, vì nhiều lý do kín đáo, lịch sự, ăn uống thường diễn ra trong nhà. Ngày trước, người xưa thích ăn uống ngoài hiên, mâm cơm được đặt giữa chiếu, không khí ẩm thực được khuyến khích bởi gió chiều thổi nhẹ nhàng trong một không gian rộng lớn.

Trong mỗi bữa ăn, mời cơm là nét văn hóa không thể thiếu của cổ nhân. Người nhỏ tuổi hơn, trước khi ăn miếng cơm đầu tiên đều phải mời những người lớn tuổi, để tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ đã cho mình cái ăn, cái mặc. Chỉ khi nào người lớn gật đầu cho phép và mời lại, cả gia đình mới bắt đầu bữa cơm trong không khí vui vẻ, thân mật.

Trong bữa ăn cổ truyền, người già và trẻ em thường được đặc biệt quan tâm. Khi xới bát cơm mời bố mẹ, con cái phải chọn phần cơm mềm, dẻo, thơm ngon nhất. Không bao giờ đơm miếng cháy vào bát của cha mẹ. Thức ăn trong mâm thường có phần riêng dành cho trẻ nhỏ và người già, cũng phải là những thức ăn ngon nhất. Điều này thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đạo hiếu, đạo làm con, luôn nhớ ơn của các đấng sinh thành.

Thông qua việc ăn uống, cổ nhân còn thể hiện không khí cộng đồng, tôn trọng lẫn nhau không kể tuổi tác, bình đẳng trên mọi phương diện. Minh chứng rõ nét cho nhận định này là hình ảnh chiếc mâm tròn và bát nước chấm. Vào bữa ăn, cả gia đình ngồi xung quanh chiếc mâm tròn, cùng gắp chung các thức ăn có trong mâm, chấm chung một bát nước chấm. Sau này, có nhiều nhận xét trái chiều, đặc biệt là về cách ăn cùng một bát nước chấm. Những ý kiến đó cho rằng đó là việc mất vệ sinh. Thực chất, quan niệm như vậy đồng nghĩa với phủ nhận những giá trị truyền thống trong ẩm thực của cổ nhân.

Chiếc mâm là một vòng tròn ấm cúng, nơi mọi thành viên trong gia đình đều bình đẳng. Tương tự như thế, chung bát nước chấm thể hiện sự đoàn kết, là mối dây ràng buộc những người có mặt trong bữa ăn. Ở đây không có sự phân biệt giữa các thành viên trong gia đình, nếu có những ưu tiên, nhường nhịn thì chỉ là những quy ước tự giác không bắt buộc. Tuy nhiên, tuân thủ các quy tắc ấy chính là thể hiện lối sống có văn hóa. Giống như khi có khách được mời tham dự vào bữa cơm trong gia đình, thì người khách bao giờ cũng được mời ngồi ở mâm ưu tiên, vị trí ưu tiên, chủ nhà hết sức ân cần chăm sóc khách.

Mâm cỗ Tết 10 món tròn đầy

Bữa ăn cổ truyền nhiều thế hệ là một không gian thể hiện đầy đủ quá trình tiếp nối, bảo lưu văn hóa khá độc đáo của cổ nhân người Việt. Mọi yếu tố văn hóa không chỉ chuyển tải trong chuyện ăn như thế nào, mà còn được gìn giữ trong khuôn phép cổ truyền, một lối ăn theo trật tự truyền thống. Cổ nhân ăn uống "mùa nào, thức nấy, món nào, gia vị nấy". Câu ca dao "Con gà cục tác lá chanh. Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi…” là một nét thú vị dân dã mà không phải quốc gia nào cũng có. Người xưa ăn uống rất công phu, các món đều có sự phân biệt rõ ràng. Ví dụ chỉ riêng món bún, thì sợi bún dành cho bún chả khác với sợi bún dành cho các món chan nước dùng.

Tương tự như thế, một mâm cỗ cũng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ. Một số tài liệu ghi chép, người xưa dọn mâm bao giờ cũng phải đủ bốn bát, sáu đĩa. Theo quan niệm con số 10 là số tròn trĩnh tượng trưng cho hạnh phúc trọn vẹn. Sáu đĩa thường bao gồm: 1/Một đĩa thịt gà úp lật quân cờ vàng ruộm. 2/Một đĩa thịt lợn quay xếp hình cánh hoa đều tăm tắp. 3/Một đĩa giò lụa. 4/Một đĩa chả quế. 5/Một đĩa xôi gấc. 6/Một đĩa nộm thập cẩm. Bốn góc mâm là bốn bát canh bao gồm: 1/Một bát măng hầm. 2/Một bát mọc nấu thả. 3/Một bát chim bồ câu hầm hạt sen. 4/Một bát mực nấu rối gồm su hào, cà rốt thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, giò lụa thái chỉ, mực khô thái chỉ xào cháy cạnh với nước mắm đường… Chưa kể đến các loại bát đĩa phụ để đựng rau thơm, chanh, ớt, nước mắm hạt tiêu…

Ngoài ra, nhiều gia đình còn có thêm đĩa hoa quả tráng miệng hoặc đĩa chè kho. Mỗi mâm đặt một chai rượu trắng và những chiếc chén hạt mít cho người uống rượu. Tất nhiên, những món ăn hoặc số đĩa bát còn phụ thuộc vào gia cảnh của mỗi gia đình, nhưng một mâm cỗ không thể thiếu thịt gà luộc và xôi gấc, hai món biểu trưng cho sự thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.

Trong những dịp giỗ, Tết, quy định lại càng chặt chẽ. Vị trí cao thấp của các mâm thường được phân bổ theo vai thứ trong họ hàng như bậc trưởng thượng thì ngồi với trưởng thượng, các bậc cha chú ngồi với cha chú. Tương tự, mâm các ông, các bà được bố trí riêng theo giới tính. Trẻ em được ngồi ở mâm dành cho trẻ nhỏ. Cỗ bàn tan, trước khi ra về mỗi người còn được "lấy phần" đem về cho người ở nhà thể hiện sự quan tâm của người chủ đám cỗ, người đi ăn cỗ với những người thân ở nhà. Trong khi ăn ở gia đình, cổ nhân chỉ nói những chuyện thân mật, vui vẻ, tối kỵ nói những chuyện căng thẳng, châm chọc nhau hoặc đang bữa ăn, lại bất ngờ giao việc cho người đang ăn phải bỏ mâm. “Trời đánh còn tránh miếng ăn” chính là câu nói thể hiện rõ nhất quy định này.

Ngày nay, trong thời công nghệ thông tin, mỗi người đều bận rộn với những công việc riêng, chạy đua với thời gian. Nhiều nơi, nhiều chỗ thiếu đi sự quây quần của bữa cơm gia đình. Các món ăn dần thay đổi, dụng cụ ăn, cách bài trí mâm cơm đều có những biến hóa theo thời đại. Tuy nhiên, nhìn lại những nét văn hóa truyền thống trong bữa cơm, hiểu được những ý nghĩa sâu xa, tốt đẹp có liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày, để thấy những nét đầm ấm rất riêng chỉ có trong bữa cơm người Việt. Chắc rằng, mỗi thành viên trong gia đình sẽ yêu thương, gắn bó với nhau hơn.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Hấp dẫn Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt

Hấp dẫn Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt
(PLVN) - Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Đà Lạt năm 2024 diễn ra ngày 13/12 tại Quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) với nhiều chương trình hấp dẫn như trải nghiệm làm kim chi, mặc hanbok, làm diều thủ công Hàn Quốc, đêm ca nhạc do nhóm B-boy Hàn Quốc SDG Crew, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Queen biểu diễn…

Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam

Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam
(PLVN) - Với mong muốn cung cấp thêm nguồn tài liệu cho những nhà chuyên môn, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, sinh viên, học viên và bạn đọc quan tâm đến vấn đề, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam” của TS Nguyễn Thị Hạnh.

Sôi động mùa du lịch cuối năm

Tuần lễ Du lịch TP HCM lần thứ 4 năm 2024 diễn ra sôi nổi với đa dạng hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực, tạo sức hút người dân và du khách. (Ảnh: DNTT)
(PLVN) - Chỉ còn vài tuần nữa sẽ kết thúc năm 2024, đây là thời điểm mùa du lịch, lễ hội chuẩn bị bắt đầu. Ngành du lịch các tỉnh, địa phương đang chuẩn bị hàng loạt các sự kiện, hoạt động hấp dẫn thu hút du khách trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Tạo đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Hai đêm concert của chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” tại TP HCM thu hút hàng chục nghìn khán giả. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert của các chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, chương trình Jazz quốc tế 2024… đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

“Du lịch nông thôn thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng”

“Du lịch nông thôn thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng”
(PLVN) - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong cho rằng, du lịch nông thôn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.

Giải Taekwondo Cảnh sát Châu Á mở rộng 2024 tại Việt Nam thành công tốt đẹp

Trao giải tại Lễ bế mạc.
(PLVN) - Ngày 9/12, Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024 đã bế mạc sau 4 ngày diễn ra nhiều giải đấu sôi nổi. Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024 do Bộ Công an đăng cai, Hiệp hội Thể thao CAND Việt Nam và Liên đoàn Taekwondo Cảnh sát thế giới phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 6 - 9/12 tại Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng- những dòng hồi ức trân quý trong “Những điều còn lại”

Thượng tướng Đỗ Căn - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (trái) tặng hoa chúc mừng Trung tướng Phùng Khắc Đăng tại lễ ra mắt sách.
(PLVN) - Trung tướng Phùng Khắc Đăng - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vừa cho ra mắt cuốn sách “Những điều còn lại”. Nổi bật trong cuốn sách là những ký ức sống động, trân quý về cuộc đời binh nghiệp, về đồng đội, về những chiến dịch, những trận đánh mà ông đã trải qua.

Kiên Giang tăng cường khai thác công nghiệp văn hóa

Những show diễn nghệ thuật mang đậm văn hóa dân gian đã ghi dấu ấn và khẳng định được thương hiệu riêng vốn có của vùng đất Phú Quốc.
(PLVN) - Kiên Giang đang tích cực khai thác các thế mạnh sẵn có để thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Điều này không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị nghệ thuật và xã hội cao.