[links()]Án quá hạn lâu nay trở thành khuyết điểm lớn nhất của ngành Tòa án và là vấn đề được các cơ quan giám sát từ HĐND các cấp đến Quốc hội rất quan tâm. Việc giải quyết án quá hạn không thể là chuyện ngày một ngày hai...
1001 lý do cho án quá hạn
Những năm gần đây, số lượng án hàng năm mà ngành tòa án phải thụ lý giải quyết gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất phức tạp. Trong khi đó số lượng và chất lượng cán bộ, nhất là thẩm phán vẫn chưa ngang tầm đương nhiên dẫn đến lượng án còn tồn đọng, quá hạn ngày một “dày” thêm. Theo ông Nguyễn Minh Mắn (Quyền Trưởng Ban Thanh tra, TANDTC) thì án quá hạn tập trung phần lớn ở án dân sự, kinh doanh thương mại và hành chính.
Nguyên nhân khách quan của tình trạng “án bị ngâm tôm”, theo ông Nguyễn Minh Mắn thì trong nhiều vụ án, các đương sự không hợp tác với Tòa án, chủ yếu là bị đơn cố tình né tránh, gây khó khăn nhằm kéo dài vụ án để họ chậm thực hiện nghĩa vụ; hay những vụ án khi bị giám đốc thẩm, tái thẩm hủy để xét xử lại thường là thời gian xảy ra đã lâu, đương sự có nhiều thay đổi.
Đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài, khi thực hiện việc ủy thác tư pháp ở nước ngoài thường gặp nhiều khó khăn và chậm có kết quả, đặc biệt đối với những nước mà hiện nay Chính phủ Việt Nam và các quốc gia đó chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp như Canada, Mỹ.
Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Tạ Quốc Hùng thì cho rằng, một trong những nguyên nhân để án quá hạn là do có những bản án đã có hiệu lực pháp luật, đã thi hành án xong, đã chuyển nhượng tài sản tranh chấp cho nhiều người khác nhau, hoặc một trong các bên đương sự đã chuyển chỗ ở đi đâu không rõ… thì bỗng nhiên lại bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy để xử lại từ đầu. Khi thụ lý lại, tòa cấp sơ thẩm gặp vô vàn khó khăn trong việc điều tra xác minh chứng cứ, và đó là nguyên nhân chính khiến án bị ngâm.
Ông Hùng dẫn chứng, có những vụ án rất phức tạp, bị hủy đi hủy lại nhiều lần, những người tham gia tố tụng ban đầu đã chết, dẫn đến phát sinh nhiều người tham gia tố tụng khác là người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng.
Thậm chí, những vụ án xét xử lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm, các đương sự chống đối, bất hợp tác gây khó khăn cho Tòa án khi triệu tập đương sự, yêu cầu cung cấp chứng cứ. Cá biệt còn có trường hợp Thẩm phán đang thụ lý giải quyết vụ án thì được điều động sang đơn vị khác, chuyển công tác khác, hết nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu nên giao hồ sơ cho Thẩm phán khác tiếp tục nghiên cứu, dẫn đến án bị quá hạn kéo dài.
Chưa kể, trong nhiều trường hợp sự phối hợp của một số cơ quan, tổ chức chưa tốt hoặc chưa tích cực hợp tác với Tòa án trong việc cung cấp văn bản, tài liệu hoặc chậm tham gia Hội đồng định giá, giám định; nhiều trường hợp do thiếu quy định và hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc nhận thức và áp dụng chưa thống nhất.
“Ngâm” án vì lo không được tái bổ nhiệm?
Nguyên nhân chủ quan của tình trạng trên, ông Tạ Quốc Hùng thẳng thắn thừa nhận là do không ít Thẩm phán chưa đề cao trách nhiệm, tâm lý Thẩm phán sợ “dính” án hủy, sẽ không được tái bổ nhiệm. Chính vì thế Thẩm phán chưa chủ động liên hệ, đôn đốc trong trường hợp các cơ quan hữu quan khác chậm trả lời.
Thậm chí, có trường hợp ngay trong cùng đơn vị hành chính nhưng Thẩm phán cũng không trực tiếp làm việc mà thụ động chờ kết quả. Lãnh đạo Tòa án của một số đơn vị chưa thật sự sâu sát trong quản lý, chưa tích cực đôn đốc Thẩm phán giải quyết các loại án.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số đơn vị chưa thực hiện tốt việc kiểm tra, theo dõi để nắm chắc tình hình thụ lý và giải quyết án chung của cơ quan, đơn vị. Thẩm phán khi gặp những vụ án phức tạp chưa chủ động báo cáo lãnh đạo để bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; ngược lại có trường hợp Thẩm phán có báo cáo nhưng ỷ lại chờ lãnh đạo cho ý kiến.
Cũng thừa nhận rằng công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật còn chậm, có nhiều vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án chưa được giải quyết kịp thời.
Liệu pháp nào khắc phục?
Báo cáo của Ban Thanh tra TANDTC đã kiến nghị một số giải pháp khắc phục tình trạng án quá hạn. Đối với lãnh đạo TAND cấp tỉnh phải tập trung chỉ đạo các Tòa chuyên trách và các TAND quận, huyện tập trung giải quyết án quá hạn. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra, nghe các Thẩm phán có án quá hạn báo cáo để tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật. Đối với những vụ án vướng mắc về nghiệp vụ, cần phải sớm có hướng dẫn kịp thời.
Bên cạnh đó, tiến hành tuyển dụng đủ biên chế, bổ nhiệm đủ Thẩm phán. Trong trường hợp vì số lượng án quá nhiều, nguyên nhân án quá hạn chủ yếu là thiếu Thẩm phán thì đề nghị điều động, biệt phái hoặc đề nghị Chánh án TANDTC biệt phái Thẩm phán để giải quyết dứt điểm. Đối với những Thẩm phán để án quá hạn trên 1 năm cần kiểm tra làm rõ, nếu do lỗi chủ quan vì thiếu trách nhiệm thì phải kiểm điểm, xử lý nghiêm.
Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào: Nên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh quá trình giải quyết án - Đối với những cơ quan, đơn vị khác chưa cung cấp chứng cứ kịp thời, mặc dù Tòa án đã áp dụng những biện pháp cần thiết, trong trường hợp này Tòa án có thể tạm đình chỉ vụ án. Các Tòa án địa phương nên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương để đẩy nhanh quá trình giải quyết án. Cần tổ chức thường xuyên các đợt tập huấn nhằm hướng dẫn, triển khai văn bản mới, tổng kết rút kinh nghiệm và bồi dưỡng nghiệp vụ. Lãnh đạo các Tòa án địa phương tập trung chỉ đạo việc giải quyết án quá hạn, nhất là án quá hạn từ một năm trở lên, phấn đấu giải quyết hết án quá hạn trong một quý. Phải phấn đấu làm sao để tình trạng án quá hạn sẽ có chuyển biến tích cực, số lượng án quá hạn còn ở mức thấp nhất. |
Thành Nam