Hãy là người nông dân thông thái!
Nhiều biện pháp để giải quyết việc “giải cứu nông sản” đã được tổ chức. Nhiều ý kiến đã được đưa ra, tất cả đều có giá trị trong một thời gian, thời hạn nhất định, không thể là “những việc cần làm ngay”. Vậy những việc có thể làm ngay là gì để thị trường có thể giảm dần hiện tượng giải cứu?
Theo ông Đào Minh Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi, dưa hấu tỉnh này chính là mặt hàng buộc phải giải cứu nhiều nhất. Sau mùa giải cứu đầu tiên, Hội đã nhiều lần vào cuộc, đưa ra các thông tin để người nông dân sản xuất cho hợp lý như khuyến cáo nên trồng rải vụ, cách nhau 10-15 ngày và kết thúc trước tháng 5 nhưng đa phần họ không nghe vì luôn muốn tranh thủ sự ủng hộ của thời tiết và mặc kệ sự may rủi của thị trường.
Trong khi đó, người nông dân cũng chưa có chỗ dựa vững chắc về thị trường đầu ra cho sản phẩm. Mô hình các HTX dịch vụ hiện nay, theo ông Hường, cũng chưa đủ mạnh để có thể đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, vẫn phụ thuộc nhiều vào tư thương trong khi tư thương cũng không có gì ràng buộc trách nhiệm với người nông dân, họ chơi theo kiểu đánh quả lẻ, được mùa thì thu gom, rớt giá thì chạy.
Do vậy, việc thay đổi tư duy của người nông dân là việc làm khẩn thiết nhất hiện nay. Theo ông Hường, người nông dân phải là trung tâm của “cuộc chơi” nông sản. Ở đó, họ được định hướng về sản xuất, được trao đổi về mô hình bao tiêu sản phẩm. “Dù rất khó để có thể thay đổi tư duy của người dân nhưng phải thực hiện theo hình thức mưa dầm thấm lâu mới mong kết thúc được các chiến dịch giải cứu”, ông Hường khẳng định.
Đừng xuất thô
Tuy nhiên, theo ông Hường, để tránh phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như đã nêu trên, thị trường nông sản hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát nguồn nguyên liệu của mình bằng công nghệ chế biến sau thu hoạch. Ông Hường khẳng định, điểm yếu nhất của nông sản Việt chính là chưa có biện pháp bảo quản lâu dài cho chế biến và chưa phát huy được vai trò giữa các nhà công nghệ với việc sản xuất của nông dân.
Đây cũng chính là vấn đề mà ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ với chúng tôi. Vị này khẳng định, Việt Nam yếu hẳn về kế hoạch, công nghệ dự trữ và chế biến sâu cho nông sản. Những loại hoa quả, rau củ của Việt Nam hoàn toàn có thể chế biến sâu thành các sản phẩm giá trị gia tăng cao nhưng dường như ngành Nông nghiệp chưa chú trọng đến vấn đề này.
Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Central Group cũng từng đề cập đến vấn đề chế biến nông sản trong cuộc chuyện trò với chúng tôi. Bà Linh cho biết, trong các chiến dịch giải cứu nông sản, ngoài việc bán thô các loại nông sản, Big C còn chế biến thành các loại sản phẩm khác nhau từ chính sản phẩm phải giải cứu, ví dụ như dưa hấu có thể chế biến thành nước ép dưa hấu, bán kèm cùng sản phẩm. Điều này khiến cho lượng tiêu thụ tăng cao mà người tiêu dùng cũng thích thú, đón nhận.
Rất nhiều các chuyên gia nông nghiệp cũng đã từng lên tiếng về quá trình bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Bộ Công Thương cũng đã có những dự án để gia tăng giá trị cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung. Theo đó, tất cả loại nông sản đều cần được tính toán tới việc xây dựng quy trình bảo quản và chuỗi chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, điều này không dễ dàng để thực hiện được trong khi người nông dân Việt Nam vẫn mang tư tưởng “tự do”, thích làm điều mình muốn chứ không nghĩ đến chuyện tập trung sản xuất để đẩy mạnh thị trường. Cộng thêm việc sản xuất vẫn còn manh mún, chưa có kế hoạch cụ thể để đón đầu thị trường nên việc gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam càng trở nên khó khăn.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, phải tổ chức phát triển các mô hình hợp tác xã, các tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp tại chính các vùng nguyên liệu được quy hoạch mới có thể tính đến chuyện lâu dài đối với nông sản Việt.
Ngoài ra, theo ông Mai, cũng phải liên kết được các hộ nông dân, các trang trại nhỏ lẻ thành hợp tác xã mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại vào các vùng nguyên liệu. Từ đấy mới có sản phẩm đảm bảo chất lượng cung cấp ra thị trường và mới có thể tiến hành ký kết hợp tác với doanh nghiệp chế biến, bán lẻ hoặc xuất khẩu.