Giá xăng dầu thế giới
Dữ liệu từ oilprice cho thấy, lúc 9h ngày 20/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 112 USD/thùng, giảm 0,21 USD/thùng, tương đương giảm 0,19%; giá dầu thô Brent giao ở mức 111,5 USD/thùng, giảm 0,49 USD/thùng, tương đương giảm 0,44%.
Giá dầu ngày 20/5 giảm trong bối cảnh thị trường ghi nhận nhiều chỉ báo về tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến các nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô.
Trong một báo cáo được phát đi vào đầu tuần, các chiến lược gia của ngân hàng Morgan Stanley đã nâng dự báo suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới lên 27%, cao hơn nhiều mức dự báo 5% được đưa ra hồi tháng 3/2022.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I/2022 đã giảm 1,4%, là lần sụt giảm đầu tiên của nước này kể từ năm 2020.
Ở diễn biến mới nhất, Liên Hợp quốc ngày 18/5 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 từ 4% xuống 3,1%. Dự báo này của Liên Hợp quốc đưa ra dự trên sự sụt giảm của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, thông tin về việc EU khó có thể đạt được sự thống nhất trong việc áp lệnh cấm vận dầu thô Nga và “bật đèn xanh” cho việc mua khí đốt của Nga cũng tạo áp lực khiến giá dầu đi xuống.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước hôm nay 20/5 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 28.959 đồng/lít;
Xăng RON 95 không quá 29.988 đồng/lít;
Dầu diesel không quá 26.650 đồng/lít;
Dầu hỏa không quá 25.168 đồng/lít và dầu mazut không quá 21.560 đồng/kg.
Theo quy định, ngày mai (21/5) là đến kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/5 tăng mạnh so với kỳ tính giá trước.
Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 có giá bình quân tới 146,3 USD/thùng. Còn xăng RON 95 là 150,3 USD/thùng.
Theo các doanh nghiệp xăng dầu, bình quân giá xăng nhập khẩu ở chu kỳ này tăng khoảng 5-6% so với chu kỳ trước. Do giá nhập khẩu tăng cao, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ khoảng 1.000-1.100 đồng với xăng.
Vì thế, ở kỳ điều hành này, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể tăng 600-700 đồng/lít, vượt qua mốc 30.000 đồng/lít mức cao kỷ lục từ trước đến nay; còn giá dầu có khả năng giữ nguyên hoặc giảm nhẹ.
Trong trường hợp cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi Quỹ bình ổn, giá xăng trong nước có thể tăng ít hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia không nghiêng về phương án này bởi Quỹ bình ổn tại doanh nghiệp đang âm nên kỳ điều hành này, cơ quan quản lý có khả năng sẽ không trích Quỹ với xăng.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 4 liên tiếp.
Với đà tăng hiện nay, các chuyên gia nhận xét, giá xăng dầu bình quân sẽ tăng khá cao, ảnh hưởng trực diện tới vận tải, khai thác thuỷ sản và tiêu dùng. Nhà điều hành cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu và các loại thuế, phí để kìm đà tăng của loại nhiên liệu này.