Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h30 sáng nay:
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 69,55-70,17 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 620.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 69,40-70,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 650.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 69,25-69,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 650.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.904,90 USD/ounce, tăng 10,7 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.095), tương đương 53,59 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 16,58 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng mạnh trở lại sau khi giảm sâu vào phiên trước đó. Đêm qua, mức độ biến động của một số ngoại tệ mạnh đã tác động nhất định đến giá vàng.
Cụ thể, đồng Yen giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tuyên bố thu mua trái phiếu với số lượng không giới hạn, đồng nghĩa tiền mặt tại Nhật Bản sẽ tràn ngập thị trường. Điều này làm cho giá trị USD tăng giá hơn nữa so với đồng Yen. Trong khi đó, đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua và gần như ngang bằng với giá trị của USD.
Trước sức ép của USD, giá vàng thế giới có lúc từ 1.885 USD/ounce xuống còn 1.872 USD/ounce.
Tuy nhiên, khi Mỹ công bố tăng trưởng kinh tế quý 1/2002 âm 1,4%, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể cân nhắc việc tăng lãi suất cơ bản vào đầu tháng 5-2022. Khi đó, đà tăng của USD sẽ khựng lại, có lợi cho giá vàng hôm nay.
Mặt khác, xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài làm tăng bất ổn địa chính trị và rủi ro lạm phát toàn cầu, có thể thúc đẩy nhiều tổ chức tài chính tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào vàng.