Thôn Đổng Xuyên xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm có 2761 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Những năm gần đây, Đổng Xuyên cũng như các thôn làng của ngoại thành Hà Nội trong xu thế đô thị hóa, cùng với phát triển kinh tế các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư cũng vì thế thêm phức tạp. Ở Đổng Xuyên, bên cạnh các tranh chấp nhỏ, thì mâu thuẫn về đất đai vẫn chiếm nhiều công sức của các hòa giải viên nhất. Mâu thuẫn đất đai trong nội bộ dòng tộc, gia đình, giữa các nhà hàng xóm với nhau…Có nhiều việc, hòa giải viên phải mất rất nhiều công sức và thời gian kéo dài. Tuy nhiên, do làm tốt công tác hòa giải mà cơ bản Đổng Xuyên không có những điểm nóng về khiếu nại, tố cáo; không có những vụ việc gây bức xúc trong cộng đồng. Các mâu thuẫn nhỏ chủ yếu được giải quyết ngay từ cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Kháng, Trưởng thôn, hòa giải viên cho biết, tổ hòa giải thôn có 8 thành viên, là đại diện các ngành, đoàn thể trong thôn. Mỗi năm đã tổ chức hòa giải thành nhiều lĩnh vực, từ mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đất đai đến xích mích hàng xóm láng giềng. Nhờ làm tốt công tác vận động thuyết phục mà nhiều vụ việc chỉ cần thành viên các tổ hòa giải đã giải quyết xong, không cần đến tổ. Tham gia công tác trên tinh thần tự nguyện và trách nhiệm với cộng đồng, tuy nhiên, ông Kháng cũng mong muốn, xã, huyện có thêm nhiều buổi tập huấn để nâng cao hiểu biết pháp luật cho hòa giải viên; tạo nhiều sân chơi chung cho các hòa giải viên…
Còn hòa giải viên Nguyễn Thị Tình, người đã tham gia công tác hòa giải được 11 năm, đã trực tiếp hóa giải nhiều mâu thuẫn vợ chồng thì mong muốn, nhà nước cải tiến thủ tục đề xuất quyết toán kinh phí bởi hiện nay thủ tục rắc rối, mất nhiều thời gian. Đồng thời, cung cấp thêm các tài liệu để hòa giải viên nghiên cứu, phục vụ cho công việc của mình.
Triển khai mô hình “Tổ hoà giải 5 tốt”, xã Đặng Xá đã triển khai tới 16 tổ hòa giải trên địa bàn. Hàng năm đều cung cấp tài liệu, tập huấn kiến thức hòa giải cho các thôn, tổ dân phố. Mỗi tổ hòa giải của tổ dân phố được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/ tổ hòa giải 250.000 đồng/ 1 vụ, việc hòa giải thành
Còn trên địa bàn toàn huyện, Hội đồng phối hợp PBGDPL cho biết, tiếp tục triển khai Hướng dẫn của Sở Tư pháp và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội về mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, Phòng Tư pháp tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức việc đánh giá và công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt” trong năm 2019. Đến nay, có 17 xã, thị trấn đã tổ chức đánh giá, có 65/153 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”
Hội đồng cũng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức của Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên theo quy định, đến nay có 196 Tổ hoà giải với 1.291 hoà giải viên. Hàng năm hòa giải trên 88% vụ việc. Theo báo cáo một số xã, thị trấn tiếp nhận giải quyết nhiều vụ việc và có tỷ lệ hòa giải thành cao trên 90% như: Xã Kim Sơn (45/45 vụ việc), Đặng Xá (12/12 vụ việc), Dương Hà (9/9 vụ việc), Đa Tốn (21/22 vụ việc), thị trấn Trâu Quỳ (25/27 vụ việc), Bát Tràng (13/14 vụ việc)....
Theo đánh giá của Phòng Tư pháp huyện Gia Lâm việc thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn tại địa bàn dân cư; Toàn bộ hệ thống chính trị của xã đã xác định rõ vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở nên kết quả đã được nâng lên. Số vụ vi phạm pháp luật được đẩy lùi và hạn chế, những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được phát hiện và giải quyết kịp thời góp phần công tác phát triển kinh tế, ổn định và giữ vững tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn huyện.