Từ tháng 11 trở lại đây, giá đường đã liên tiếp lập kỉ lục, có lúc lên đến 25.000 đồng/kg. Thời điểm hiện tại cũng là “chính vụ” thu mua mía của thương lái. Thị trường sôi động, nhưng người nông dân trồng mía vẫn than “chưa thể ăn Tết xông xênh”…
Cung không đủ cầu
Thời điểm cận Tết, nhu cầu thu mua đường từ các công ty bánh kẹo, giải khát tăng cao khiến giá đường càng bị thúc lên. Tích cực “săn” mua mía, nhưng thời gian qua, hầu như các công ty mía đường khu vực miền Tây, miền Trung và Tây nguyên vẫn không thể cung ứng đủ cho sức mua của thị trường. Thống kê cùa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong năm nay nhu cầu tiêu thụ đường của cả nước ước khoảng 1,3-1,4 triệu ,hưng khả năng sản xuất của doanh nghiệp chỉ 800.000 - 900.000 tấn, điều này nói lên sự chênh lệch lớn giữa mức cung và cầu đường hiện nay.
Hệ thống siêu thị Co.opMart cũng cho biết, mỗi ngày bình quân siêu thị bán không dưới 50 tấn đường. Chính vì thế, giá đường từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay liên tục bị đẩy lên đến chóng mặt, có thời điểm các nhà máy đường ở miền Tây xuất xưởng với giá 19.200-19.500 đồng/kg loại RS tại kho, đến tay người tiêu dùng khoảng 20.500-21.000 đồng/kg. Đường tinh luyện RE cũng vọt lên mức 20.000 đồng/kg tại kho, còn người tiêu dùng phải mua tới 25.000 – 26.000 đồng.
Đến thời điểm hiện tại, có thể nói chỉ ở các siêu thị giá đường mới tương đối ổn định với mức dao động từ 22.000 – 23.000 đồng, hàng bình ổn khoảng 18.000 đồng. Trong khi đó, giá tại các chợ dao động từ 25.000 – 26.000 đồng/kg. Một số siêu thị thậm chí còn phải có quy định hạn chế số lượng đường mua trên đầu người để tránh nhiều tiểu thương gom đường bình ổn để ra bán ngoài thị trường.
Qua quá nhiều khâu trung gian
Xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là một trong những khu vực đang diễn ra việc thu mua mía sôi động. Mía nơi đây chủ yếu cung cấp cho nhà máy mía đường La Ngà. Năm nay, người dân Tân Nghĩa khấp khởi vui vì giá mía thu mua tăng gần 25% so với cùng kì năm ngoái. Thời điểm này năm trước, giá thu mua mía là 500.000 đồng/tấn, năm nay, có lúc lên đến 750.000 đồng/tấn, nhưng thời điểm hiện tại đứng ở giá 700.000 đồng/tấn. Nhiều nông dân trồng mía cho biết, “giá mía Tân Nghĩa còn ở mức trung bình, chứ tại nhiều địa phương ở miền Trung và Tây Nguyên, giá mía lên đến cả triệu đồng/ tấn”. Cao điểm thu mua mía tại xã Tân Nghĩa kéo dài khoảng ba tháng, từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau. Đặc biệt, năm nay thương lái mua rộ hơn các năm trước, thời điểm thu mua mía cũng kéo dài hơn thông thường.
Tuy nhiên, niềm vui của người dân cũng chưa được bao nhiêu, khi mà giá mía tăng thì bao nhiêu thứ khác của đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng lên cao, nhất là giá phân bón, giá thuốc. Năm nay mưa nhiều, cũng là một trở ngại lớn đối với việc trồng mía, cộng với giá thuê công nhân cao hơn hẳn mọi năm, mà vẫn khan người, khiến người nông dân mặc dù được giá mà cũng “chóng mặt” vì chi nhiều. Điều đáng nói là hầu hết nông dân trồng mía nơi đây không qua mua bán mía trực tiếp với phía nhà máy đường mà phải qua từ trung gian: Thương lái, chủ xe hàng…
Những năm trước các trạm giao thông cho phép xe chở 25 tấn, nhưng năm nay chỉ cho phép chở 10 tấn, các chủ xe dựa vào đó để ra sức ép giá người dân. Nhưng cũng chưa bằng các “chiêu” của thương lái: kì kèo ép giá, kéo dài thời gian thu mua, để mía khô trên ruộng có khi đến 15 ngày trời (mía để càng lâu càng nhẹ kí). Không biết bao nhiêu người dân phải phát khóc vì mía khô lâu trên ruộng nen buoc phai bán giá thấp…
Được mua bán trực tiếp với phía nhà máy đường, đó là nguyện vọng của người dân không chỉ tại xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. Bị mất giá nhiều qua các khâu trung gian, thương lái là tình trạng chung của rất nhiều nông dân trồng mía khu vực miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên. Chỉ có sự chủ động, hợp tác bắt tay của các đơn vị sản xuất với nông dân, đồng thời có sự hỗ trợ để họ khắc phục những khó khăn thì mới có thể giảm đi những nghịch lý kiểu được mùa, được giá mà người dân vẫn chưa được đổi đời.
Ngọc Mai