Theo một số chuyên gia thì nói “EVN đang tính toán” là nói vậy thôi, khả năng lần này điện tăng “kịch trần” 5% cho phép là rất rõ, khi giá than bán cho điện vừa tăng 27% trong khi ngành điện thì đã lăm le tăng giá từ lâu.
Quy hoạch cho đẹp?
Thẳng thắn bày tỏ tại “Diễn đàn Năng lượng, Dầu khí –đầu tư và phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cùng một số hiệp hội tổ chức ngày hôm qua (9/5) tại Hà Nội, ông Ngãi cho rằng, “chúng ta đang làm quy hoạch ngược - quy hoạch điện trước rồi mới đến quy hoạch than và khí. Thêm nữa, thời gian quy hoạch ngành năng lượng quá ngắn, ví dụ, quy hoạch điện 5 năm – chưa đủ thời gian xây dựng một nhà máy điện chứ chưa nói tới quy hoạch toàn ngành điện”.
Tương tự, ngành khí và than cũng vậy. Ví dụ, năm 2011 Chính phủ giao cho Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) từ năm 2011-2015 phải khai thác được 55 triệu tấn than sạch, xây dựng được 28 mỏ mới và mở rộng 61 mỏ cũ. “Không hiểu ai tham mưu cho Chính phủ kiểu như thế này. Bởi vì, xây dựng một mỏ than mới, cần 6-7 năm, vốn đầu tư 400 triệu USD/mỏ than mới. Do đó, trong vòng 5 năm xây dựng 28 mỏ mới là con số “không tưởng”. Do đó, dẫn tới, nếu Quy hoạch điện VII thực hiện được cũng không có than cho nhà máy điện hoạt động. Quy hoạch khí dài hơi cũng chưa có” – ông Ngãi nói.
Cụ thể, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2010-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/7/2011 nhưng Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030 lại được phê duyệt vào ngày 9/1/2012, chậm 6,5 tháng so so với Quy hoạch điện VII.
Trong khi đó, Quy hoạch ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 thì chưa có, mà chỉ có Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn 2015, định hướng đến năm 2025, còn Quy hoạch ngành Năng lượng tái tạo Việt Nam giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 cũng chưa có.
Ông Ngãi khuyến nghị, quy hoạch của từng ngành phải từ 10-15 năm, tầm nhìn 20-30 năm, lúc đó chúng ta mới có đủ thời gian để chuẩn bị cho việc quy hoạch đạt kết quả. Ví dụ, tổng công suất điện cả nước là 27.000 MW/năm, lượng điện phát ra 100 tỉ KWh; bình quân 1 người/1.000kwh/năm... Theo Quy hoạch điện VII đến năm 2020 chúng ta có 330 tỷ Kwh, với công suất điện là 75.000 MW. Chỉ còn 7 năm nữa để tăng sản lượng từ 27.000MW lên 75.000 MW là “khó khả thi, đó là việc ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, chưa nói tới các mục tiêu mà Quy hoạch đặt ra tới 2030-2050”.
Giá điện còn tăng dài dài
Theo dự báo nhu cầu của Quy hoạch điện VII năm 2020 là 330-336 tỷ Kwh, năm 2030 là 695-834 tỷ kwh, trong khi GDP của cả nước dự báo tăng tương ứng là 200 tỷ USD và 400 tỷ USD.
Riêng nhu cầu than cho ngành điện đến năm 2020 ước cần 67,3 triệu tấn cho tổng công suất các nhà máy điện than là 36.000 MW, cung cấp sản lượng điện 154,44 tỷ kwh. Đến năm 2030, khi công suất của các nhà máy nhiệt điện than là hơn 75.748 MW, cung cấp hơn 391,980 tỷ Kwh, nhâu cầu than có thể lên tới 171 triệu tấn. Trước mắt, từ năm 2014 khi các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân II, Duyên Hải I của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa vào vận hành, ngành điện sẽ bắt đầu phải nhập than.
Như vậy than tăng giá thì điện chỉ có nước tăng theo, và mối quan hệ bình thông nhau này còn kéo dài. Vì theo như Vinacomin, thì chi phí giá thành sản xuất than sẽ tăng khoảng 4-5% qua mỗi năm do khai thác ngày càng xuống sâu, đi xa; cộng với các yếu tố đầu vào khác như thuế, phí môi trường, tăng chi phí đầu tư, nguyên liệu….
Mới nhất, như chúng tôi vừa đưa tin, hôm – 6/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, trả lời câu hỏi của PLVN về khả năng tăng giá điện sau khi than đã tăng giá từ hôm 20/4, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay hiện “EVN đang tính toán”. Vị này thông tin, đến thời điểm hiện tại chưa có phương án tăng giá điện nhưng trên cơ sở phân tích tác tác động từ chi phí đầu vào đối với giá thành sản xuất điện cũng như thực tế vận hành trong thời gian vừa qua, căn cứ vào Quyết định 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, từ đó EVN sẽ có kế hoạch điều chỉnh giá mua bán điện.
“Hiện EVN vẫn đang tính toán giá thành điều chỉnh” – ông Cường cho biết. Nhưng theo một số chuyên gia thì nói tính toán là vậy thôi, khả năng lần này điện tăng “kịch trần” 5% cho phép là rất rõ, khi giá than bán cho điện vừa tăng 27% trong khi giá than chiếm phần đáng kể trong cơ cấu chi phí đầu vào các nhà máy nhiệt điện chạy than.
Mai Hoa