Chị em cùng nhập viện
Chiều cuối hè oi bức, nhóm bệnh nhân nữ Khoa 2 (khoa nhi, nữ) ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương đang rôm rả trò chuyện. Nếu không gặp họ trong bệnh viện và họ không mặc đồng phục bệnh nhân, có lẽ không ai nhận ra đó là những người “có vấn đề” về thần kinh.
Đám đông vây quanh chăm chú lắng nghe người phụ nữ giọng đặc sệt miền Trung. Thấy khách đưa máy chụp ảnh, những ánh mắt vội ngẩng nhìn lạ lẫm. Người phụ nữ giọng miền Trung tỏ vẻ am hiểu: “Có lẽ nhà báo chụp ảnh đó. Người ta chụp ảnh có công việc chứ lo gì, cứ bình thường để cán bộ làm việc”, rồi tiếp tục câu chuyện đang kể.
Y tá cho biết, nữ bệnh nhân đó tên Nguyễn Thị Lài (51 tuổi, quê ở thôn Cao Cựu, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Bà Lài mắc bệnh tâm thần phân liệt di chứng, mã bệnh F20.5. “Hiện bà ấy tỉnh táo nhất khoa đấy, nhận thức xung quanh tốt lắm, bà nhớ hết mọi chuyện. Anh cứ ngồi nói chuyện”, nữ y tá giới thiệu nhanh trong lúc đang tiêm thuốc cho các bệnh nhân.
Khéo léo tách khỏi đám đông, bà Lài mời phóng viên ngồi xuống chiếc ghế ở chân cầu thang và bắt đầu câu chuyện về đời mình. Câu chuyện mà sau này xác minh qua hồ sơ lý lịch của bệnh nhân và các bác sĩ, ai cũng ngậm ngùi. Có những kí ức buồn bà Lài không nhớ, hoặc có thể nhớ nhưng không muốn nhắc lại.
Bà Lài giọng chậm rãi giới thiệu mình là chị cả trong gia đình có sáu anh chị em, nhưng có tới 5 người mắc bệnh tâm thần. Có thời điểm 3 chị em bà cùng là bệnh nhân “tạm trú” ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương. May mắn hai em bà Lài bệnh nhẹ, sau mấy tháng trị liệu được cho về địa phương.
Bà trả lời rất tỉnh táo, rành mạch:
-Bố mẹ cô còn sống không?
-Bố mẹ tôi đều mất từ lâu rồi. Mẹ tôi hay uống rượu nên không được tỉnh táo lắm, lúc tỉnh lúc say. Còn chồng tên Nguyễn Văn Đức (SN 1966) đã chết bốn, năm năm nay do bệnh ung thư.
- Cô có nhớ về quá khứ của mình?
- Có chứ, những lúc tỉnh táo, tôi nhớ hết.
- Cô nhớ đường về nhà không?
- Từ đây thì không nhưng từ trung tâm huyện vào nhà nhớ chứ. Đi qua đoạn đường dài mấy cây số, qua cánh đồng nữa là tới làng.
Dứt câu, bà Lài kể lập gia đình năm 21 tuổi và có hai người con. Con gái lớn đã lấy chồng, ở quê làm ruộng cùng chồng. Còn người con trai út, bà nhớ sinh năm 1988, đang làm nghề sửa xe, sống cùng gia đình chị gái. Vợ chồng bà cũng như bao cặp vợ chồng khác, hàng ngày đi làm ruộng, trồng thêm rẫy cà phê, thả thêm mấy con lợn, con bò. Cuộc sống tuy không giàu có nhưng cũng gọi đủ sống, ấm cúng. Song căn bệnh tâm thần đã lần lượt lấy đi tất cả hạnh phúc của gia đình bà, mang đến bi kịch khổ đau.
Kí ức nữ bệnh nhân
Người phụ nữ bệnh tật không nhớ chính xác bản thân phát bệnh tâm thần từ lúc nào. Bà chỉ nhớ mang máng đã hơn chục năm nay, thời điểm đó hai con bà cũng đã lớn. “Hồi đó tôi thường xuyên mất ngủ, hay đau đầu và cứ đi lanh thang hát hò, được người ta cho tiền, bánh kẹo nhiều lắm”, bà vui vẻ kể.
Sau khi phát bệnh, bà Lài được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi, cả Đông y, Tây y, từ các bệnh viện đến nhà thầy lang. Bà nhớ có lần gia đình còn mời thầy cúng về nhà làm phép. Bà tỉ tê nhắc tên những người em: “Em Khoa, em Bài và em Cảnh là út. Nay không biết mấy em sống thế nào. Lúc cha qua đời, tôi đang ở bệnh viện nên không được nhìn mặt lần cuối, nhớ lắm”, người phụ nữ thủ thỉ.
Bà Lài vẫn nhận thức mình đã được đưa ra Bệnh viện Tâm thần Trung ương rất nhiều lần. Cứ mỗi lần bệnh tình thuyên giảm, bà được cho về nhà, nhưng bệnh tái phát buộc phải quay lại Hà Nội. Lần nhập viện cuối cùng mà bà Lài nhớ đã cách đây hai năm, bà đã ở viện được hai cái Tết. Tuy nhiên, thông tin nầy được bác sĩ điều trị “đính chính”, thực tế bà Lài được em gái đưa tới bệnh viện từ ngày 25/10/2012, tức hơn bốn năm.
Từ đó tới nay không có người thân nào ra viện thăm bà Lài. “Các con ở xa quá không có điều kiện ra Hà Nội thăm mẹ được. Chúng nó nghèo quá, không có điều kiện chứ vẫn thương mẹ lắm”, người phụ nữ nói.
Bà cũng kể đã lâu lắm rồi gọi điện về nhà nhưng không ai nghe máy. Nói xong, bà đọc vanh vách một số điện thoại, nói là của em trai, nhưng số máy không thể liên lạc. “Giờ chỉ mong em Cảnh ra đón về, nhưng gọi điện không thấy nghe máy”, bà rầu rĩ.
Nữ bệnh nhân kể tiếp, từ ngày điều trị ở bệnh viện đã ngủ ngon giấc hơn, hết đi lang thang như trước. Hàng ngày bà có thể nhặt rau, quét nhà và phụ nội trợ. Nhưng bà nói muốn về quê sống, muốn được chăn bò, trồng lúa, chăm rẫy cà phê đã gắn bó từ tuổi thơ. “Tôi nhớ nhà, nhớ đứa em út, nhớ bố và các con nữa. Bây giờ ngủ được rồi, không đi lang thang nữa nên chỉ muốn về nhà thôi”, bà Lài mếu máo.
Kể về cuộc sống trong viện, bà hào hứng khoe, hàng ngày được các y tá, bác sĩ khám bệnh, cho uống thuốc đúng bữa nên bệnh đã khỏi. Mỗi ngày bà ngủ hai tiếng ban ngày và sáu tiếng ban đêm. Bà còn kể mới đây bà bị phát hiện có khối u ở cổ nhưng khối u đã tự tiêu.
Hồ sơ buồn
Sau khi trò chuyện với bà Lài, chúng tôi kiểm chứng lại thông tin với các bác sĩ tại Khoa 2 Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Vừa nghe thuật lại câu chuyện nữ bệnh nhân kể, các y tá vừa giở bệnh án đối chiếu và xác nhận những thông tin bà Lài chia sẻ đều sự thật.
Theo hồ sơ bệnh án, bà Lài mắc thể tâm thần nặng, đang được điều trị bằng thuốc liều cao. Tiền sử bệnh án ghi nhận, mỗi lần phát cơn tâm thần, người phụ nữ này có những hành vi nguy hiểm, đe dọa mạng sống người khác, bắt buộc phải nhập viện.
Hồ sơ bệnh án cũng thể hiện, bà Lài có lần cầm dao sát hại mẹ và ném con nhỏ xuống sông khiến đưa bé chết đuối. Thông tin này được người nhà tự khai, có xác nhận của chính quyền. Đứa trẻ kém may mắn đó chính là người con trai mà bà Lài vẫn đinh ninh đang học nghề sửa xe ở quê, sống cùng chị gái.
Nhưng có thể thấy kết quả điều trị của bệnh nhân qua những câu chuyện bà kể đúng thực tế. Qua đối chiếu hồ sơ bệnh nhân, cán bộ bệnh viện xác nhận: Bà Lài đã có chồng nhưng chồng qua đời, gia đình bà có sáu anh chị em thì 5 người bị tâm thần. Bởi vậy, mọi người vẫn gọi gia đình bà bằng cái tên đau khổ: “gia đình tâm thần”. Bệnh viện cũng xác nhận có thời điểm 3 chị em bà Lài cùng điều trị tại đây.
Thông tin khối u bà nói cũng chính xác. Các bác sĩ cho biết cách đó nửa tháng, bà Lài được phát hiện có khối u ở thùy trái tuyến giáp. Bệnh viện chuyên khoa chỉ định phẫu thuật sớm, kinh phí chừng 20 triệu đồng. “Nhưng hoàn cảnh bà Lài không người thân, nguồn kinh phí bệnh viện hỗ trợ chỉ có giới hạn. Chúng tôi phải nhờ các đồng nghiệp kê đơn thuốc về uống, nếu không khỏi sẽ tính đến phương án tiếp”, nữ y tá cho hay.
Kết thúc cuộc trò chuyện, nữ bệnh nhân bất hạnh cứ nấn ná gửi gắm xem có cách nào liên lạc với người thân không. Bà bảo sống một mình ở bệnh viện lâu quá nên nhớ nhà, muốn trở về. Các bác sĩ nhận định, với bệnh lý của bà Lài, chỉ cần uống thuốc đều đặn, đúng chỉ định sẽ kiềm chế được cơn bệnh. Nguyên nhân bà tái phát bệnh lý những lần trước là do bỏ thuốc, không có ai tỉnh táo để chăm sóc./.