Cơ quan quản lý nhà nước về vận tải biển đã làm gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu?
Môi giới “thổi” giá?
Theo Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN), khó khăn lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp (DN) vận tải biển đó là việc một số địa phương yêu cầu tất cả thuyền viên trên phương tiện phải có phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc test nhanh kháng nguyên hiệu lực 72h thì mới cho “thông thủy”. Trong khi đó, việc di chuyển bằng đường thuỷ lại tốn rất nhiều thời gian do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thời tiết, thủy triều... nên nhiều khi chưa đến nơi thì giấy xét nghiệm đã hết hạn.
Nỗi lo tắc nghẽn hàng hóa trở nên lớn hơn khi một số chốt kiểm soát đường thủy không thực hiện test nhanh COVID-19, còn người trên phương tiện lại không thể di chuyển lên bờ để tìm nơi xét nghiệm do vướng quy định phòng, chống dịch.
Cục HHVN cho biết thêm, đơn vị này cũng nhận được ý kiến từ các hiệp hội ngành hàng như hồ tiêu, rau quả, dệt may, nhựa… phản ánh về tình trạng thiếu container rỗng và giá cước tăng cao của các hãng tàu, cũng như hiện tượng hủy chuyến, lên tàu mới báo giá; chính sách giá cước liên tục thay đổi. Ngoài ra, khách hàng khó đặt chỗ trực tiếp với hãng tàu mà phải thông qua môi giới; đặc biệt, cơ chế tính phụ phí của các hãng tàu hiện chưa rõ ràng, với nhiều loại phụ phí phát sinh đã gây bức xúc và khó khăn cho các DN, nhất là DN vừa và nhỏ.
Xung quanh vấn đề này, các hãng tàu phản hồi với cơ quan quản lý nhà nước rằng, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu khiến các hãng vận tải cũng gặp nhiều khó khăn và họ cũng đang cố gắng đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trong khi đó, một số hãng tàu như CMA-CGM, Evergreen, COSCo đều khẳng định, không thiếu vỏ container rỗng; các phụ phí được niêm yết công khai trên website của nhà vận tải. Việc chênh lệch giữa giá cước niêm yết và giá cước thực tế, do yếu tố cung - cầu và tùy thuộc sự thương lượng giữa chủ hàng và bên môi giới. Do đó, các hãng không can thiệp vào việc thỏa thuận này.
Cục HHVN cho hay, để giải quyết tình trạng trên, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét sửa đổi một số quy định.
Chủ hàng nên làm việc với hãng tàu
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục HHVN, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Cục đã nỗ lực để đảm bảo hoạt động hàng hải thông suốt, an toàn.
Cục cũng có văn bản đề nghị các hãng tàu thực hiện đúng quy định về việc công khai minh bạch giá cước vận tải; đồng thời có những cam kết về lịch trình tàu, chỗ trên tàu và bảo đảm đủ lượng container rỗng để vận chuyển hàng hóa. Trong trường hợp tự cắt tuyến, cắt chuyến, Cục HHVN và các đơn vị chức năng sẽ áp dụng các chế tài để quản lý chặt chẽ.
“Chúng tôi cũng đã đề nghị các chủ hàng xem xét làm việc trực tiếp với các hãng tàu để tránh việc tăng giá từ các khâu trung gian; đồng thời có kế hoạch sản xuất, nhập hàng sớm để ký kết các hợp đồng dài hạn với các hãng tàu”, ông Giang nói.
Liên quan đến vấn đề hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái, đại diện Cục cho biết, sau một thời gian nỗ lực, hiện nay lượng container đã giảm, tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ hàng bố trí rút container ra khỏi cảng. Đồng thời hỗ trợ tuyên truyền đến các DN xuất nhập khẩu để điều chỉnh thông tin cảng đích Cát Lái về các cảng Cái Mép, Hiệp Phước.
Theo nguồn tin của PLVN, hiện nay, tại cảng Cát Lái, hàng hóa container xuất nhập khẩu vẫn đang duy trì số lượng bình thường theo hướng container hàng xuất nhiều hơn số hạ bãi. Điều đó giúp cho dung lượng hàng tồn bãi ở mức 89%, giảm so với thời gian trước, là ngưỡng công suất hoạt động tốt cho kinh doanh của nhà khai thác cảng.
Phải kê khai giá thay vì niêm yết giá
Lãnh đạo Cục HHVN cho hay, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét sửa đổi quy định các DN kinh doanh vận tải biển, phải thực hiện kê khai giá cước thay vì chỉ quy định niêm yết giá cước vận tải như hiện nay.