Đó là chia sẻ của BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC tại cuộc thảo luận chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành về sốt xuất huyết diễn ra tại TP HCM ngày 26/9.
“VNVC có thế mạnh là hệ thống trung tâm tiêm chủng dịch vụ hàng đầu Việt Nam với gần 200 trung tâm, hơn 10.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống kho lạnh và hệ thống xe lạnh vận chuyển vaccine chuyên nghiệp đạt chuẩn GSP, có thể bảo quản cùng lúc gần 400 triệu liều vaccine chất lượng cao. Ngoài tiêm tại các trung tâm tiêm chủng, VNVC còn có thể tổ chức các đội tiêm lưu động đến các trường học, doanh nghiệp, khu dân cư… với quy trình tiêm chủng an toàn cao nhất để kịp thời bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và người lớn trước đỉnh dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 10 hàng năm”, bác sĩ Chính cho biết thêm.
Một phụ huynh đưa con đi tiêm vaccine sốt xuất huyết tại VNVC. |
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định sốt xuất huyết không chỉ gây gánh nặng và áp lực cho bệnh nhân, gia đình mà còn cho hệ thống và nhân lực ngành y tế.
Gần 40 năm trước, Việt Nam đã chứng kiến dịch sốt xuất huyết khủng khiếp tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Thời điểm đó, việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào diệt muỗi và lăng quăng, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy rất nhiều ca tử vong đã xảy ra tại TP HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ nửa thế kỷ trước, việc tìm ra vaccine sốt xuất huyết là vấn đề cấp thiết.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, từ 1959 đến nay sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi bệnh lưu hành ngày càng phức tạp, lan rộng và diễn ra quanh năm không còn theo mùa, các biện pháp kiểm soát muỗi truyền bệnh gặp nhiều khó khăn do vấn đề đô thị hóa, giao thương, đi lại. Hằng năm, nước ta có hàng trăm nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết với hàng chục đến hàng trăm ca tử vong.
Hệ thống xe lạnh vận chuyển chuyên nghiệp đạt chuẩn GSP được ví như những kho lạnh vaccine di động tại VNVC. |
Ghi nhận mới nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết hiện đang tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 8/2024, bệnh viện có 130 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện và 8 trường hợp gặp biến chứng sốc sốt xuất huyết, phải điều trị tích cực.
Vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam do hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản sản xuất, đã được nghiên cứu và phát triển trong gần 45 năm. Vaccine này có khả năng phòng đầy đủ 4 tuýp huyết thanh virus gây bệnh gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 vốn đều đang lưu hành tại Việt Nam. Vaccine sốt xuất huyết đáp ứng đầy đủ các hướng dẫn về thử nghiệm lâm sàng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Vaccine sốt xuất huyết được chứng minh hiệu quả bảo vệ cao, chống nhiễm với cả 4 tuýp huyết thanh sốt xuất huyết lên đến 80,2% tại thời điểm 12 tháng sau tiêm liều thứ hai; hiệu quả cao trong việc chống nhập viện do sốt xuất huyết, với tỷ lệ giảm lên đến 90,4%.
“Đưa vào sử dụng vaccine sốt xuất huyết là bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống bệnh nguy hiểm này”, PGS.TS Kim Tiến - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Cũng theo PGS.TS Kim Tiến, Việt Nam đã phê duyệt vaccine sốt xuất huyết cùng 39 nước trên thế giới, tiến thêm một bước quan trọng cho công tác phòng chống dịch bệnh. Việc sử dụng vaccine cùng các biện pháp phòng chống khác sẽ giảm số ca mắc bệnh, nhập viện và gặp biến chứng nặng do bệnh. Đó là bằng chứng thuyết phục nhất về tính an toàn, hiệu quả và nhân văn của vaccine nói chung và vaccine sốt xuất huyết nói riêng.
Bên trong hệ thống kho lạnh bảo quản vaccine đạt chuẩn GSP theo tiêu chuẩn quốc tế của VNVC, đảm bảo vắc xin an toàn mức cao nhất. |
PGS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết, trước khi vaccine được phê duyệt và đưa về Việt Nam triển khai tiêm cho người dân cả nước, nhiều biện pháp phòng chống sốt xuất huyết đã được ngành y tế triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua nhưng do tình hình dịch diễn biến phức tạp, việc kiểm soát trở nên khó khăn khiến bệnh ngày càng gia tăng.
“Vaccine sốt xuất huyết là biện pháp phòng bệnh chủ động và đặc hiệu, dành cho số đông. Các kết quả nghiên cứu cho thấy đây là vaccine an toàn, dùng được cho trẻ em là đối tượng nhạy cảm - tỷ lệ mắc sốt xuất huyết rất cao. Khi số người sử dụng vắc xin tăng lên cùng với các biện pháp khác, chắc chắn trong thời gian ngắn, gánh nặng do sốt xuất huyết gây ra với cộng đồng sẽ giảm đáng kể”, PGS Nguyễn Vũ Trung nói.
Sốt xuất huyết hiện không có phương pháp điều trị đặc hiệu, trọng tâm là phát hiện sớm và điều trị các triệu chứng. Bệnh khó kiểm soát nguồn lây bởi người mắc sốt xuất huyết có thể không biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng. Theo nghiên cứu, 80% người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm sốt xuất huyết. Bệnh nặng khó dự đoán trước và có thể phát triển mà không có dấu hiệu cảnh báo.
WHO đánh giá sốt xuất huyết là một trong 10 gánh nặng y tế toàn cầu, xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế; đồng thời kêu gọi bên cạnh nâng cao nhận thức về bệnh, kiểm soát vector truyền bệnh, giám sát chặt chẽ bệnh, người dân cần tiêm chủng vaccine để phòng bệnh hiệu quả.