Cả năm trời mua vé với mong muốn “Trời thương” mà cho một lần trúng thưởng, chị Huỳnh Thị Cẩm Sáu (SN 1979, ngụ ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cũng đã “cầu được ước thấy”. Thế nhưng vận may đi cùng với vận xui, khi người anh con bác ruột của mình, cũng chính là người bán vé số đã lập kế hoạch chiếm đoạt tờ vé số độc đắc của chị...
Vận may đi cùng vận xui
Chiều một ngày giữa tháng 7/2007, khi chị Sáu đang loay hoay quét dọn sân thềm thì người anh con bác ruột tên Lê Hồng Minh (SN 1972, ngụ cùng ấp) đạp xe đến nhà mời mua vé số cầu may. Thấy anh năn nỉ “mua giúp anh một tờ, sắp quay thưởng rồi mà còn ế quá”, chị cũng mua một tờ của Công ty xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu ủng hộ Minh rồi đem cất. Hơn một tiếng đồng hồ sau đó, người anh bán vé số lọc cọc đạp xe quay lại, vừa đến sân đã hớn hở báo tin: “Bé Sáu à! Tờ vé số của cưng đã trúng số an ủi 500 ngàn đồng rồi. Cưng đưa anh Ba đi đổi giùm cho”.
Niềm vui bất ngờ đến, vả lại cũng tuyệt đối tin tưởng vào ông anh họ của mình nên chị Sáu vui vẻ đưa tờ vé số cho Minh và cũng rất hào phóng: “Anh Ba đổi giùm em rồi em tặng ít tiền xài, “lộc bất tận hưởng” mà”. Thế nhưng sợ anh mình sẽ quên nên khi vào nhà lấy vé, chị Sáu còn lấy giấy bút ghi lại những con số trên tờ vé số.
Tám giờ sáng hôm sau, chị Sáu xách cái cặp lồng đi chợ mua ít đồ về ăn mừng được “Trời thương” cho số tiền ngang cả chỉ vàng. Khi đi ngang quầy vé số, bất chợt chị đưa mắt nhìn ngang bảng ghi số. Chị như không tin vào mắt mình khi thấy 5 con số trong giải đặc biệt của đài Bạc Liêu ngày hôm qua giống hệt với 5 con số có trong tờ vé số của chị.
Cho rằng mình nhìn lầm, chị còn về nhà lấy tờ giấy ghi số rồi quay lại so và thấy kết quả vẫn như một. Được ông chủ quầy xác nhận là chính xác, chị mới dám tin tờ vé số của mình đúng là đã trúng giải đặc biệt 125 triệu đồng chứ không phải là trúng giải an ủi 500 ngàn đồng như ông anh đã thông báo.
|
Tờ vé số trúng độc đắc. |
Kiên trì chờ đợi người anh quay lại để hỏi cho ra lẽ về tờ vé số nhưng đã quá giờ chiều mà vẫn không thấy mặt mũi anh Ba đâu nên chị và người dì út phải đi qua nhà Minh để đòi tờ vé số. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của mọi người là Minh đã nhầm lẫn và sẽ hoàn trả lại tờ vé số độc đắc, người anh đã bất ngờ “đổi trắng thay đen”: “Tờ vé số của cưng anh nhờ người ta dò không có trúng lên đã rục bỏ”.
Nói qua nói lại một hồi Minh cũng kiên quyết không thừa nhận tờ vé số của chị Sáu là trúng giải độc đắc và không nhận mình còn giữ mặc dù đã được mẹ, bà ngoại và mọi người khuyên can.
Thấy ông anh quá tham lam và ngoan cố, chị Sáu đã đe dọa “Nếu anh không trả lại, em sẽ đi báo chính quyền địa phương nhờ can thiệp”. Vậy nhưng Minh cũng không run sợ: “Mày cứ đi thưa, tao sẵn sàng hầu kiện”. Quá tức giận, chị Sáu lập tức đi thẳng đến trụ sở công an Thạnh Xuân trình báo. Trong khi đó, vợ chồng Minh quay sang cự cãi với mẹ và những người thân vì “đổ oan cho vợ chồng tui giật tờ vé số độc đắc của cô em họ”.
Bộ mặt tham lam bị bà mẹ lật tẩy
Sáng ngày sau đó, khi công an xã đến nhà tìm người bán vé số lên làm việc thì mới hay vợ chồng Minh đã bắt chuyến xe sớm nhất về quê vợ ở Sóc Trăng với lời nhắn để lại cho mọi người “đi về quê vợ ăn đám giỗ ông nội của vợ”. Những người chứng kiến sự việc đều được mời về trụ sở công an xã để lấy lời khai, trong đó có mẹ của Minh (tức là bác ruột của người bị chiếm đoạt vé số), đồng thời những người thân trong gia đình nghi phạm cũng được công an dặn dò nên khuyên bảo Minh về trình diện.
Đầu giờ chiều cùng ngày, gã bán vé số đến trụ sở công an xã Thạnh Xuân nhưng vẫn một mực chối tội. Minh không thừa nhận mình có bán vé số đài Bạc Liêu trong ngày chị Sáu mua vé mà chỉ có bán đài Vũng Tàu, đài Đà Lạt và “tôi không cầm tờ vé số nào của chị Sáu”.
Trước thái độ của nghi phạm, nhận định đối tượng có dã tâm chiếm đoạt tờ vé số bằng được, công an đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, cách ly Minh với các nhân chứng đề phòng trường hợp thông cung. Tìm đến đại lý nơi hắn lấy vé số, công an được chủ đại lý dò tìm và xác nhận Minh có lấy vé số đài Bạc Liêu và trong số đó đúng là có tờ vé trúng độc đắc như chị Sáu trình báo, tuy nhiên hiện chưa thấy ai mang đến lãnh thưởng. Qua lời khai này, công an đã có bằng chứng nhận định lời tố cáo của chị Sáu là có cơ sở.
Hỏi chuyện những người thân của nghi phạm (cũng là người thân của nạn nhân), một hồi các điều tra viên thấy bà mẹ của Minh ngậm ngùi “đúng là chiều hôm ấy tui có nghe nó nói “Bé Sáu trúng tờ độc đắc” rồi nó đạp xe đến nhà bé Sáu”. Thì ra đến bà mẹ cũng không chịu được tính khí tham lam của thằng con nên đã khai ra tình tiết này.
Đã đủ chứng cứ, công an tiếp tục đấu tranh với nghi phạm thì Minh vẫn nhất mực ngoan cố chối tội. Đến nước này, các điều tra viên buộc phải công bố lời khai của bà mẹ, ông chủ đại lý giao vé và trước những chứng cứ không thể chối cãi này, Minh đã cúi đầu nhận tội. Hỏi tờ vé số đâu, hắn nói “Vẫn để trong túi áo khoác giao cho vợ cất giấu ở Sóc Trăng”. Lúc này theo yêu cầu của công an, Minh gọi điện thoại kêu vợ đi xe ôm về giao nộp tờ vé số.
Kế hoạch lừa đảo ma mãnh
Cặp vợ chồng tham lam này khai nhận sau khi nghe kết quả số xố kiến thiết qua đài truyền thanh và biết được người em họ đã trúng giải độc đắc, Minh đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Lúc đó Minh mường tượng ra số tiền 125 triệu đồng tương đương với nhiều lượng vàng vào thời điểm đó là tài sản quá lớn, cả cuộc đời đi bán vé số cũng không chắc kiếm được một nửa số tiền lớn như vậy.
Mặt khác, hình ảnh căn nhà lá dột nát của mình và sự nheo nhóc của hai đứa con đã khiến Minh nảy lòng tham muốn “nẫng tay trên” của cô em họ. Do đó, Minh đã chủ động đến báo tin cho chị Sáu là trúng giải an ủi để cô em tin tưởng giao tờ vé số. Liền sau đó, hắn đem về nhà cất giấu lên vách nhà rồi hôm sau vẫn tiếp tục đi bán vé số như không có gì xảy ra.
Tối ngày hôm sau, không thể giữ nổi bí mật trong lòng nên hắn kể chuyện cho vợ là Trần Thị Khện (SN 1971) biết về việc mình đang chiếm giữ tờ độc đắc của cô em. Thay vì khuyên giải chồng đem trả lại thì Khện lại cùng chồng bàn bạc sẽ đem tờ vé số về quê Khện ở Sóc Trăng để lãnh tiền.
“Có tiền hai vợ chồng sẽ mua đất cất nhà, cho bên nội bên ngoại mỗi bên một ít, còn đâu sẽ mua vàng để dành”, vợ chồng hắn cười tủm tỉm thống nhất nên cả đêm đó đều không ngủ được. Vừa nghe tiếng gà gáy sáng, cả hai đã vội vã ra bắt xe về Sóc Trăng mà không ngờ sự việc bị lật tẩy nhanh đến thế.
Sau khi bị khởi tố về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vợ chồng Minh mới quay sang hết lời năn nỉ cô em họ làm đơn bãi nại cho mình. Nể tình bà ngoại và mẹ mình cũng như tội nghiệp cho hai đứa cháu nên nạn nhân đã làm đơn bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt cho cặp vợ chồng lừa đảo.
Hơn một tháng sau khi xảy ra vụ việc, TAND huyện Châu Thành A đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tòa xét thấy các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại; có trình độ học vấn thấp, thuộc thành phần lao động nghèo nên nhận thức pháp luật có phần hạn chế; có hai con nhỏ… nên đã khoan hồng xử phạt Minh 12 tháng tù giam, Khện 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Vụ án xếp lại, tài sản bị lừa đảo sau đó đã được trả lại cho nạn nhân nhưng không rõ sau những tai tiếng lừa đảo này Minh có còn cơ hội kiếm cơm nhờ nghề bán vé số, tình cảm giữa vợ chồng người anh và cô em họ có còn tin cậy như khi chưa có tờ vé số độc đắc?.
Theo Pháp luật & Thời đại