Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là những đóng góp lớn trong xuất khẩu.
Tuy nhiên, nếu ví nền kinh tế Việt Nam như một "cỗ xe" thì các doanh nghiệp FDI là một "chiếc bánh quay" khá mạnh và hiệu quả nhưng lại thiếu tương tác với những chiếc bánh còn lại là các doanh nghiệp trong nước.
Đây là thực tế đã diễn ra từ lâu và hiện được xem là một trong những hạn chế lớn nhất cần khắc phục trong thời gian tới.
Những bước tiến dài
Theo thống kê của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ 10 tỷ USD năm 1988 khi Việt Nam mới thu hút FDI, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng dần lên 50 tỷ USD, 100 tỷ USD và dự kiến là 225 tỷ USD trong năm 2018 này.
Đáng lưu ý, xuất khẩu giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng 17,6%/năm, cao hơn mục tiêu trong Chiến lược Xuất nhập khẩu đến năm 2020, định hướng đến 2030, cũng như mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XI (tăng 12%). Với tốc độ tăng luôn cao hơn mức tăng chung, khối FDI đã có vai trò quyết định duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu cao của cả nước.
Điểm mốc đáng nhớ là trong năm 2015 đã có 23 mặt hàng lọt Top câu lạc bộ tỷ USD và cũng là năm mặt hàng điện thoại di động vươn lên đứng đầu với kim ngạch 30,6 tỷ USD, tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, nếu như cách đây 6 năm, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn nhỉnh hơn so với các doanh nghiệp FDI thì đến nay, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã cao gấp 3 lần các doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp FDI hiện đóng góp gần 20% tổng thu ngân sách Nhà nước, tăng 10 lần so với năm 2000.
Đáng lưu ý, trên 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp FDI đã có những bước tiến dài, nhưng tác động tới các doanh nghiệp trong nước lại rất mờ nhạt.
Ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra thực tế như việc Tập đoàn Samsung hiện sản xuất 40% smartphone (điện thoại thông minh) tại Việt Nam, xuất khẩu năm qua đạt kim ngạch 50 tỷ USD, tương đương tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Nhưng hiện chỉ có chưa đến 30 doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi sản xuất của Samsung tại Việt Nam.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều hiện tượng trốn thuế, chuyển giá của một số doanh nghiệp là những con sâu mà lâu nay chưa thể loại trừ triệt để. Những dự án gây ô nhiễm môi trường là bài học cảnh tỉnh rất đắt giá trong việc thu hút FDI.
Đặc biệt, những dự án công nghệ rác, công nghệ lạc hậu vẫn tìm cách thâm nhập vào Việt Nam hay vi phạm và tranh chấp lao động đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động và gây thiệt hại cho doanh nghiệp vẫn đang là vấn đề nan giải hiện nay.
Hơn nữa, việc chuyển giao, tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng kết quả rất hạn chế, không như kỳ vọng.
Hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp nước ngoài tới các doanh nghiệp Việt như: việc phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế cũng là những điểm yếu cần khắc phục ngay trong tương lai.
Tạo lực đẩy đồng bộ
Bước sang năm 2018, một chu kỳ mới, động lực mới, bước phát triển mới và vận hội mới cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Theo giới phân tích, không chỉ năm 2018 mà đến những năm 2022, 2023… Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, triển vọng tốt đẹp có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của Chính phủ.
Cũng không thể thiếu nỗ lực tự thân của chính các doanh nghiệp hai bên trong chặng đường tiến về phía trước.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho hay, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các doanh nghiệp FDI trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nếu khai thác tốt, FDI sẽ trở thành một trong những trụ cột, nền tảng để Việt Nam phát triển tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hội nhập, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực hết sức mình, lấy doanh nghiệp FDI làm động lực để phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất sự phụ thuộc, đảm bảo tăng trưởng.
Vì thế, bên cạnh việc sẽ tạo ra hệ thống chân rết phát triển, cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống luật pháp phải hoàn thiện để ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng môi trường; định hướng các dòng vốn, các hoạt động vốn FDI đúng mục tiêu đặt ra, từ đó sẽ giảm bớt áp lực không bền vững.
Ông Trần Thanh Hải bày tỏ, FDI là thành tựu của quá trình hội nhập, đồng thời là một thành phần của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết ở đây không phải là hạn chế, giảm bớt hoạt động doanh nghiệp FDI mà Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh chóng, đạt tỷ lệ kim ngạch cao trong cơ cấu xuất khẩu.
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều biện pháp như: Ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều nhóm giải pháp như hỗ trợ tín dụng, đầu tư, đào tạo nhân lực nhưng vẫn chưa làm tốt việc kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó, chưa thực hiện triệt để việc yêu cầu doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại Việt Nam phải chuyển giao công nghệ. Đây là những hoạt động sẽ được tập trung giải quyết trong thời gian tới để nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.
Để khắc phục những tồn tại, nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2018 và các năm tiếp theo Nhà nước cần tạo lực đẩy đồng bộ, làm cho khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh lên để kết nối được với doanh nghiệp FDI.
Mặt khác, quản lý nhà nước về FDI của Việt Nam phải tiếp tục có những đổi mới toàn diện, sâu sắc về xúc tiến đầu tư, thẩm định dự án và cấp phép đầu tư cho các dự án, quản lý dự án sau cấp phép…
Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, các chuyên gia cũng khuyến cáo tự bản thân các doanh nghiệp nội phải đổi mới, tìm hướng đi, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Điều này không những đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài mà còn phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và phát triển bền vững hơn trong hội nhập.
EVFTA: Động lực thúc đẩy quá trình quốc tế hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam
(PLVN) - Hiệp định EVFTA giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để vươn ra thị trường quốc tế. EVFTA không chỉ giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận các thị trường tiềm năng tại EU.