Đây là phản ứng đầu tiên của Facebook trong bối cảnh uy tín của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vụ bê bối rò rỉ dữ liệu gây chấn động dư luận.
“Tôi xin lỗi...”
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNN ngày 21/3, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận vụ việc trên đã gây ra tổn thương nghiêm trọng tới niềm tin của người dùng, đồng thời gửi lời xin lỗi đến người sử dụng. Ông nhấn mạnh bảo mật thông tin khách hàng là trách nhiệm cơ bản của Facebook.
Theo nhà sáng lập Facebook, hãng này sẵn sàng tuân thủ quy định siết chặt của chính phủ sau sự việc này và ông "vui vẻ" ra điều trần trước Quốc hội Mỹ trong trường hợp ông là người phải chịu trách nhiệm. Ông Zuckerberg cho hay trang mạng lớn nhất thế giới này đã cam kết không can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới tại Mỹ và các cuộc bầu cử tại Ấn Độ cũng như Brazil.
Trước đó, trên dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân, ông Zuckerberg viết hãng "đã phạm sai lầm, cần phải làm nhiều việc, chúng tôi cần cải tiến và thực hiện điều này". Theo ông, Facebook sẽ có các biện pháp mới nhằm ngăn chặn việc các nhà phát triển ứng dụng hay các ứng dụng của bên thứ ba có thể tiếp cận thông tin của người sử dụng, đồng thời trao nhiều công cụ hơn cho khách hàng nhằm bảo vệ thông tin cá nhân.
Bên cạnh đó, hãng cũng đang lên kế hoạch điều tra những ứng dụng chạy trên nền tảng của mình. Ông Zuckerberg đồng thời thẳng thắn thừa nhận công tác bảo mật thông tin khách hàng cần phải được đầu tư nhiều hơn nữa, dù đã có nhiều biện pháp bảo mật thông tin kể từ năm 2014.
Facebook bị chỉ trích đã tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng mạng xã hội này |
Ngay sau dòng trạng thái trên, giá trị cổ phiếu của Facebook chốt ngày 21/3 đã phục hồi 0,7% sau khi giảm liên tiếp trong hai phiên giao dịch trước đó. Như vậy, trong 3 ngày qua, giá trị tài sản của Facebook trên thị trường chứng khoán đã "bốc hơi" mất 45 tỷ USD do vụ bê bối rò rỉ thông tin trên.
Chấn động
Facebook đang đối mặt với "búa rìu" dư luận cũng như chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu liên quan tới thông tin cho rằng Cambridge Analytica (CA), hãng phân tích dữ liệu của Anh được ê kíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đã thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook. Có thông tin rằng doanh nghiệp này đã thu thập thông tin trên nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump vào năm 2016.
Nhằm chứng minh cho sự vô can trong vụ bê bối này, các đại diện của Facebook đã có cuộc gặp kéo dài 2 tiếng với các thành viên Quốc hội Mỹ vào ngày 21/3 và dự kiến một cuộc gặp khác sẽ diễn ra trong ngày 22/3 tại Đồi Capitol. Trong khi đó, cựu nhân viên của CA, Christopher Wylie, người đã tiết lộ vụ thu thập trái phép dữ liệu trên, đã chấp nhận ra điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ và Anh. Facebook khẳng định công ty bị xúc phạm nghiêm trọng và là nạn nhân của vụ lừa gạt. Tuyên bố trên của Facebook nhằm chĩa mũi nhọn chỉ trích về phía CA.
Hiện Facebook đang chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu về cam kết vào bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng và những biện pháp xử lý phù hợp khi phát hiện việc dữ liệu bị đánh cắp. Phát biểu trên chương trình "Today" của BBC, giáo sư tâm lý học Aleksandr Kogan thuộc Đại học Cambridge, người được công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica (CA) thuê để xây dựng phần mềm ứng dụng tâm lý học nhằm thu thập dữ liệu, tuyên bố ông sẵn sàng ra điều trần trước Quốc hội Anh hoặc Quốc hội Mỹ về vấn đề này. Ông khẳng định mình đã bị Facebook và CA lợi dụng mà không hề hay biết.
Theo giáo sư Kogan, CA đã tiếp cận và yêu cầu ông thiết kế một phần mềm ứng dụng dự đoán nhân cách nhằm xây dựng các hồ sơ tâm lý học của 30 triệu cử tri Mỹ. Tuy nhiên, ứng dụng này đã cho phép CA thu thập dữ liệu thông tin cá nhân người sử dụng Facebook mà không thông báo cho người sử dụng. Theo tính toán, đã có 270.000 lượt tải ứng dụng này.
Cùng ngày, Thủ tướng Theresa May đã kêu gọi Facebook và CA tuân thủ các yêu cầu trong cuộc điều tra của Văn phòng Cao ủy thông tin của Anh về cáo buộc thu thập trái phép thông tin của 50 triệu người dùng Facebook. Phát biểu trước Hạ viện Anh, Thủ tướng May hy vọng Facebook, CA và các tổ chức liên quan sẽ tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu phục vụ công tác điều tra.
Bà cũng bị chất vấn về khả năng đảng Bảo thủ liên quan đến tập đoàn SCL, bởi hãng này do một cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ sáng lập và đang dưới sự điều hành của chủ tịch hiệp hội đảng Bảo thủ Oxford. Bên cạnh đó, một giám đốc của hãng đã tài trợ 700.000 bảng cho đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, Thủ tướng May nêu rõ theo như bà biết, không có hợp đồng nghiên cứu nào của chính phủ ký với CA hay tập đoàn SCL.
Trong khi đó, hãng tin ABC (Mỹ) dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người đứng đầu cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, đang tìm bằng chứng cho vai trò của CA trong chiến dịch tranh cử giúp ông Trump giành chiến thắng. Theo ABC, các nhân viên điều tra đã thẩm vấn một số chuyên gia kỹ thuật số trong ban chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Nguy cơ bị phạt
Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC), cơ quan giám sát cạnh tranh và tiêu dùng thị trường, đang điều tra Facebook về vụ bê bối tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng mạng xã hội này.
Uy tín của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vụ bê bối rò rỉ dữ liệu |
Báo Wall Street Journal ngày 20/3 đưa tin FTC sẽ điều tra để xác định trong vụ hãng phân tích dữ liệu Cambridge Analytica thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu người dùng Facebook, mạng xã hội này có vi phạm các điều khoản của một sắc lệnh quy định Facebook phải nhận được sự đồng ý của người dùng về việc thu thập và chia sẻ dữ liệu cá nhân của trên tài khoản hay không. Theo báo Washington Post, nếu FTC kết luận Facebook thực sự đã phá vỡ thỏa thuận này, công ty có thể phải nộp phạt lên tới 40.000 USD cho mỗi lần vi phạm.
Do ảnh hưởng vụ bê bối này, cổ phiếu của Facebook đã tiếp tục giảm thêm 2,6% vào chốt phiên 20/3 tại thị trường New York sau khi giảm 6,8% trong ngày giao dịch trước đó. Như vậy, trong 2 ngày qua, giá trị cổ phiếu của Facebook đã sụt giảm 60 tỷ USD.
Facebook cam kết áp dụng mọi chính sách của hãng để bảo mật thông tin cá nhân và sẽ nghiêm túc tìm hiểu sự việc này. Trong khi đó, Cambridge Analytica bác bỏ việc sử dụng dữ liệu với mục đích sai trái, đồng thời khẳng định rằng xóa bỏ toàn bộ dữ liệu của Facebook từ một ứng dụng thứ 3 vào năm 2014, sau khi nhận ra rằng việc sử dụng thông tin này là trái với quy định bảo vệ dữ liệu.
Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ công bố đề xuất về một loại thuế mới đối với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ, bao gồm Facebook, trong ngày 21/3. Đây là nỗ lực của EU nhằm thắt chặt kiểm soát đối với việc các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ trốn thuế bằng cách đăng ký thu nhập tại các nước châu Âu đánh thuế thấp.
Giới chuyên gia cho rằng đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào Facebook, hãng hiện đang đứng giữa tâm bão bê bối tiếp cận trái phép thông tin người dùng, cũng như tác động xấu tới quan hệ thương mại vốn đang căng thẳng giữa Washington và Brussels liên quan tới việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao cho thép và nhôm.
Theo một số nguồn tin, kế hoạch thuế của EU sẽ nhắm chủ yếu vào các các doanh nghiệp Mỹ có doanh thu trên 750 triệu euro/năm (khoảng 924 triệu USD/năm), trong đó bao gồm những cái tên đình đám như Facebook, Google, Twitter, Airbnb và Uber. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ đề xuất quy định nghiêm ngặt hơn đối với việc bảo mật dữ liệu.