Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh là công ty con của Tập đoàn Dược phẩm Thái Minh, được thành lập với sứ mệnh nghiên cứu, phát triển, ươm, nhân giống, trồng, chế biến cây thảo dược có giá trị cao như sâm Lai Châu, đẳng sâm, hoàng sin cô (yakon), đông trùng hạ thảo, bẩy lá mộc hoa.
Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh được kỳ vọng sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Dược phẩm Thái Minh, mang lại sản phẩm tốt nhất được nuôi trồng trong điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng cả nước và hướng tới xuất khẩu trong tương lai.
Chia sẻ về lý do thành lập công ty tại Lai Châu, ông Nguyễn Quang Thái – Chủ tịch HĐQT công ty CP Dược phẩm Thái Minh cho biết: “trước lời kêu gọi của UBND tỉnh Lai Châu, doanh nghiệp hãy phát triển trồng, chế biến loài dược liệu quý hiếm tại tỉnh trong đó sâm Lai Châu, chúng tôi đã quyết định thành lập công ty hướng đến mục tiêu đưa cây sâm Lai Châu trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thay đổi đời sống và thu nhập cho đồng bào dân tộc vùng cao. Thái Minh với thế mạnh về kênh phân phối, sản xuất, sẽ là một lợi thế lớn khi tham gia ngành này. Chúng tôi sẽ biến nơi này sinh ra những loài cây dược liệu có giá trị, đảm bảo an ninh dược liệu và gia tăng giá trị kinh tế-xã hội cho bà con vùng cao. Đồng thời giúp tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cao cho Thái Minh trong tương lai".
Được biết, vùng trồng của công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh dự kiến khoảng 20 ha, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao: nhà màng và đất tự trộn, giúp kiểm soát 99% các yếu tố dịch bệnh, côn trùng, khí hậu, độ ẩm của cây. Mục tiêu Thái Minh sẽ biến cây sâm Lai Châu từ chỗ trồng ở dưới tán rừng thành một loại cây có thể trồng đại trà ở độ cao trên 1500m, giảm giá xuống để mọi người tiêu dùng đều có thể tiếp cận và sử dụng loài thảo dược quý giá này.
Tham gia nghiên cứu để đầu tư vào tỉnh Lai Châu từ tháng 2/2022, đến tháng 6/2022 Thái Minh đã bắt đầu xây dựng vườn trồng đầu tiên của mình tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Tại đây, Dược phẩm Thái Minh xây dựng mô hình trồng sâm tại Việt Nam theo hướng trồng sâm trong nhà màng công nghệ cao, nhận chuyển nhượng lại toàn bộ vườn sâm từ Hợp tác xã Sâm và thảo dược Sìn Hồ. Thái Minh đã có được cho mình những củ sâm từ 1-6 năm tuổi. Đây là nguồn giống quan trọng giúp Thái Minh xây dựng khu trồng sâm lâu dài của mình.
Vào tháng 11/2022, dược phẩm Thái Minh đã tham gia chương trình Hội chợ Sâm Lai Châu với một gian hàng trưng bày về cây sâm trong vườn và các chế phẩm đầu tiên từ sâm Lai Châu.
Đây là hội chợ lần đầu tiên tổ chức tại Lai Châu với mục đích hỗ trợ quảng bá, giới thiệu nhân dân cả nước về cây sâm Lai Châu cũng như xúc tiến để các nhà đầu tư biết về loài cây tiềm năng này. Đồng thời trao đổi, toạ đàm với các nhà khoa học về các nội dung liên quan tới việc nghiên cứu về sản xuất trồng và chế biến các loại cây sâm.
Ông Nguyễn Quang Thái đón tiếp các vị khách từ Bộ Khoa học và Công nghệ
Trong khuôn khổ Hội chợ sâm Lai Châu, sáng ngày 12/11/2022, ông Nguyễn Quang Thái – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Thái Minh đã có bài tham luận tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển sâm Lai Châu với nội dung nhìn nhận về tiềm năng phát triển của cây sâm Lai Châu, giải pháp của doanh nghiệp và kiến nghị. Tại đây, ông Thái đã chỉ ra 5 ưu thế lớn của việc phát triển cây sâm Lai Châu và giới thiệu về mô hình trồng sâm trong nhà màng độc đáo của đơn vị mình. Bài phát biểu được hội nghị đánh giá cao.
Cũng tại hội nghị, Thái Minh đã kí biên bản ghi nhớ về việc phát triển vùng trồng và đầu tư nghiên cứu cây sâm Lai Châu với tổng ngân sách là 560 tỉ đồng trong vòng 10 năm từ 2022 – 2032 dưới sự chứng kiến của các vị quan khách tham dự trong Hội nghị. Đặc biệt, trang trại Thái Minh Panax ở Sìn Hồ đã vinh dự tiếp đón các đại diện của Cục, Vụ Y tế cũng như viện Dược liệu và Bộ Khoa học Công Nghệ đến thăm quan trực tiếp mô hình trồng sâm của mình.
Với việc tham gia vào ngành nông nghiệp công nghệ cao cũng như đầu tư nghiên cứu về bào chế, phát triển cây sâm, Dược phẩm Thái Minh kì vọng sẽ phát triển được nhiều sản phẩm tốt hơn nữa giúp bảo vệ sức khỏe người dùng. Đồng thời, giúp phát triển kinh tế địa phương và đưa cây sâm Lai Châu trở thành loài cây thế mạnh xứng danh với danh hiệu quốc bảo của Việt Nam.