Một diễn biến khác, sau những lời dạy dỗ các giảng viên của một trường đại học về cách né báo chí, nếu cần thì đuổi nhà báo ngay vì “nó nhiễu thì nhục”, cán bộ thanh tra đã phủ nhận điều này với truyền thông và tuyên bố mình là người xuất sắc nhất, liêm khiết nhất, chống tham nhũng nhất và đặc biệt cống hiến nhiều nhất cho ngành Thanh tra!
Cả hai ông quan, người từng là Chủ tịch huyện thì đang trong vai trò bị cáo, người kia đương chức quyền Vụ trưởng nhưng đang là “bị cáo” của dư luận đều nhắc đến sự cống hiến của mình. Trường hợp thứ nhất bị người đời cười nhạo, ông cống hiến để tiếp tục “ăn” ư, còn trường hợp thứ hai khiến người ta tức giận vì quá ư ngạo mạn, tự ví mình với Hy-mã lạp-sơn vậy.
Cống hiến – ai cũng hiểu rằng đó là sự toàn tâm, toàn ý, đem tất cả trí lực của mình, cả cuộc đời mình hiến dâng, đóng góp cho một sự nghiệp nào đó mà không mong một chút gì báo đáp, trả công cả. Xét theo ý nghĩa đích thực của từ này, chỉ có những vĩ nhân trong lịch sử là xứng đáng. Hoặc, chí ít cũng có những công trạng to lớn hoặc làm rạng danh cho đất nước và đặc biệt, phải có là những người làm nên công trạng đó có đạo đức trong sáng, không vụ lợi, không ích kỷ và không ngạo mạn.
Lâu nay, chúng ta khá làm dụng từ cống hiến trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là với một người cụ thể. Ví dụ, một cán bộ nhà nước, làm công, ăn lương, giữ một cương vị khiêm tốn nào đó, khi về hưu vẫn được tôn vinh là “cống hiến cho sự nghiệp A, B, C,...”, hoặc, đánh giá một công chức bình thường “đã có nhiều cống hiến cho ngành”. Chưa kể đến các ông quan tham nhũng, mục đích tiến thân gắn liền với sự vinh thân, phì gia thì lại càng được ca ngợi là có nhiều cống hiến!
Nên nhớ, cống hiến gắn liền với sự hy sinh cao cả, với đạo đức sáng ngời “Một đời thanh bạch chẳng vàng son”. “Cống” là chỉ dâng lên, mang cho, “hiến” là tự nguyện, còn lại, việc làm tròn phận sự của mình, được trả công sòng phẳng, sao có thể gọi là cống hiến?
Với cách dùng từ “cống hiến” khá lạm dụng như hiện nay nên mới có những người hoặc ngây ngô, hoặc ngạo mạn mới tự đánh giá cao và ngộ nhận sự cống hiến của mình đến thế! Tình trạng này phổ biến đến mức, những người “chạy” vào biên chế hoặc “chạy” chức quyền cũng tự hào là mình làm việc đó với mục đích tốt đẹp là cống hiến cho xã hội, quê hương!