Đang là dịp cuối năm, các đơn vị, cơ quan nhà nước đều có cuộc họp bình xét thi đua. Ở một số nơi chỉ tiêu phấn đấu thì đầu năm đã đăng ký, bao nhiêu phần trăm đạt danh hiệu loại nào đã được hoạch định, đơn vị đạt loại gì... cứ thế mà bầu bán. Mọi người lần lượt đọc bản kiểm điểm cá nhân của mình, rồi đồng nghiệp góp ý, nếu đạt danh hiệu thì bản kiểm điểm cá nhân đó trở thành bản Báo cáo thành tích để cấp trên phê chuẩn...
Một số nơi ai đăng ký thì sẽ đạt, góp ý toàn ca tụng lẫn nhau, bỏ phiếu bằng cách giơ tay, ai cũng giơ cả... Nếu đơn vị đăng ký thi đua đạt danh hiệu nào đó thì phải tương ứng với số danh hiệu cá nhân đạt được, vì thế do thành tích chung của tập thể, phải… bầu bằng được số người đạt danh hiệu theo đúng tỷ lệ, không đạt cũng phải đạt. Phần lớn thủ trưởng và lãnh đạo cơ quan chiếm hết các danh hiệu, phần còn lại cho nhân viên ít lắm.
Không ai phủ nhận giá trị tích cực của thi đua. Đó là liều thuốc kích thích năng suất lao động, tạo ra một không khí làm việc sôi động, mang lại hiệu quả cũng như cổ vũ sự sáng tạo. Nhiều cá nhân vượt trội trong phong trào được vinh danh, tưởng thưởng xứng đáng, trở thành nguồn cảm hứng thi đua cho mọi người. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng thi đua của công chức, viên chức một số nơi là có “phát mà không động”, có tổng kết tuyên dương mà không kích thích và lôi kéo được mọi người tham gia.
Ngay chính bản thân người được tuyên dương cũng không cảm thấy tự hào, thấy mình xứng đáng nhận sự vinh danh. Đã có một sự cào bằng trong đóng góp sức lực và trí tuệ cho công việc chung. Người tích cực, làm nhiều việc nhưng chẳng ai xem xét tới, kẻ nhẩn nha sáng tối cắp ô đi về thì danh hiệu đầy mình. Thực trạng đó là có thật trong một số cơ quan, đơn vị.
Thêm nữa, tình trạng “chạy” danh hiệu thi đua âm thầm khởi phát và nó chỉ lộ diện ở những trường hợp bị pháp luật phát hiện mà thôi. Tình trạng này tương ứng với trào lưu đánh bóng tên tuổi, tạo dựng uy tín giả, che mắt mọi người và nó làm cho giá trị của các tấm huân chương bị sứt mẻ ít nhiều. Hoặc, tương tự, một số danh hiệu thi đua của tập thể, của ngành chẳng cần phấn đấu thì “đến hẹn lại lên”, cứ chu kỳ 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa các danh hiệu thi đua sẽ lần lượt đến, từ thấp lên cao, với một số cá nhân cũng vậy.
Trở lại với vấn đề ở đầu bài viết này. Một cuộc họp với lãnh đạo thành phố, mỗi năm chỉ có một lần, được báo trước hàng tuần, lại là việc của chính mình: Bàn về chống ngập úng mà Trung tâm cấp thoát nước lại coi thường, lãnh đạo còn bận bình xét thi đua thì người chủ trì bực là phải. Câu chuyện này phản ánh một thực trạng cuối năm trong đời sống công sở: Công việc chính thì không làm, ngồi đấy mà bình xét thi đua.