Chỉ với 5 triệu đồng ký quỹ là nhà đầu tư đã có cơ hội tham gia VNX. Ảnh minh họa |
"Lướt sóng" cà phê
“Đây là thời điểm các nhà đầu tư (NĐT) có thể tham gia vào các sàn giao dịch hàng hóa (GDHH) để mua, bán cà phê, cao su, thép... kiếm lời. Thay vì “lướt sóng” chứng khoán nay “lướt sóng” cà phê”, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học - kinh tế ứng dụng TS. Đinh Thế Hiển gợi ý. Theo TS Hiển, “nghe thì lạ” nhưng đây là cách đầu tư đã có từ hàng trăm năm nay với sự hoạt động của các sàn GDHH kỳ hạn, tương lai như New York Commodities Exchange (Mỹ), Liffe (Luân đôn), Sicom (Singapore)… Và hoạt động của các sàn này cũng sôi động không kém gì các sàn giao dịch chứng khoán.
Trên thế giới, giá các loại hàng hóa cơ bản như dầu thô, vàng, thép, gạo, cà phê, cao su… niêm yết trên các sàn GDHH cũng được cập nhật liên tục. Các kênh thông tin kinh tế lớn đều có bản tin về diễn biến giá cả các mặt hàng này từng giờ. Mỗi sự biến động của kinh tế thế giới cũng tác động ngay tới khối lượng, giá cả hàng hóa giao dịch trên sàn; và sự biến động khối lượng, giá cả hàng hóa trên sàn cũng phản ánh sự biến động của kinh tế thế giới.
Theo ông Frederick Wee - Chuyên gia tài chính Singapore, chức năng của các sở GDHH và các sàn GDHH cũng tương tự như các sở giao dịch chứng khoán và sàn giao dịch chứng khoán. Điểm khác nhau là một bên là hàng hóa, còn một bên là cổ phiếu; điểm giống nhau là hàng hóa hay cổ phiếu giao dịch trên sàn đều được chuẩn hóa…
Lợi nhuận cao...
Ông Nguyễn Duy Phương - Tổng giám đốc Sàn GDHH Việt Nam (VNX)- Sàn GDHH đầu tiên ở Việt Nam được Bộ Công Thương cấp phép năm 2010, cho biết: Chỉ với 5 triệu đồng ký quỹ là đã có cơ hội tham gia VNX, chỉ với 10 triệu đồng là NĐT đã có đủ tiền để có thể thực hiện giao dịch. Hiện mức ký quỹ ở VNX chỉ là 10% tổng giá trị giao dịch, khối lượng GDHH tối thiểu là 1 tấn/lot nhằm bước đầu tạo cơ hội cho nhiều NĐT và DN tham gia sàn VNX.
Nói về cơ hội kiếm lời từ việc mua - bán cà phê trên sàn, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam cho biết: Chỉ cần giá mua cà phê trong nước thấp hơn giá thế giới 5% là NĐT đã có cơ hội sinh lời lớn. Trong khi đó vào vụ cà phê, giá thu mua cà phê trong nước luôn thấp hơn giá thế giới từ 20-30%. Điều đó đủ cho thấy cơ hội sinh lời khi đầu tư hàng hóa qua sàn cao đến đâu.
Ông Tự cũng cho biết thêm, hiện với ngành cà phê, các DN Việt Nam chỉ giao dịch thật, còn giao dịch giấy tờ thì chưa có. Trong khi thị trường thế giới, cà phê giao dịch bằng giấy tờ chiếm tới 98%. Vì vậy, việc mở cửa sàn VNX còn giúp cho các DN Việt Nam có thêm một thị trường tiềm năng và hứa hẹn thu được lợi nhuận cao gấp nhiều lần giao dịch thật.
... rủi ro cũng lớn
Theo chuyên gia tài chính Frederick Wee, mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng GDHH cũng có những rủi ro, thậm chí rất lớn. Ông Frederick Wee chỉ ra, giống như thị trường trái phiếu hay cổ phiếu, thị trường hàng hóa có thể có những rủi ro cho NĐT do không dự báo đúng xu hướng giá cả hàng hóa hoặc rủi ro do giới đầu cơ lũng đoạn thị trường. Rủi ro cũng có thể xảy ra bất ngờ bởi thiên tai hoặc do biến động địa chính trị, chiến tranh ở một quốc gia, khu vực nào đó tác động tới cung - cầu trên thị trường hàng hóa. Vì thế NĐT nên thận trọng và xem xét khả năng có thể chấp nhận rủi ro đến mức nào trước khi tham gia GDHH trên sàn.
Ngoài VNX, hiện một số đơn vị cũng tổ chức sàn GDHH, như Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột với mặt hàng cà phê; Sở GDHH Triệu Phong với mặt hàng cà phê, cao su và thép; Sàn GDHH Sài Gòn Thương Tín với mặt hàng đường, thép… Chính vì vậy tình trạng chồng chéo trong việc đưa các mặt hàng lên sàn giao dịch là điều không tránh khỏi. Thực tế, ở các nước trong khu vực, mỗi sàn GDHH thành công thường gắn với một mặt hàng thuộc thế mạnh quốc gia như sàn Đại Liên – Trung Quốc với đậu nành; sàn Bursa – Malaixia với dầu cọ; sàn Sicom với cao su…
Theo ông Nguyễn Duy Phương, trong số những loại hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới, hàng hóa của Việt Nam như dầu thô, gạo, cà phê, cao su luôn được giao dịch với khối lượng lớn. Đặc biệt, có đến 80% lượng cà phê giao dịch trên Sàn GDHH London là cà phê Việt Nam. Với khối lượng giao dịch như vậy, thậm chí Việt Nam có khả năng chi phối giá một vài mặt hàng trên thế giới. |
Linh Lan