Hôm qua (23/2), Ban soạn thảo dự án Luật Hộ tịch họp phiên thứ 2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Phó trưởng Ban đồng chủ trì cuộc họp.
Hộ tịch di chuyển theo người
Theo quy định của pháp luật hiện hành, mỗi việc về hộ tịch (khai sinh, kết hôn, khai tử, nuôi con nuôi, giám hộ…) được đăng ký vào một sổ hộ tịch tương ứng. Ngoài các sổ hộ tịch này, mỗi sự kiện sau khi được đăng ký người dân còn được cấp bản chính các loại giấy tờ và bản sao từ sổ gốc.
Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Tổ trưởng Biên tập dự án Luật cho rằng, nhược điểm của phương thức đăng ký này là dữ liệu hộ tịch của mỗi cá nhân bị phân tán ở các sổ hộ tịch khác nhau và ở nhiều nơi khác nhau. Việc này gây khó khăn cho công tác quản lý còn người dân cũng khó khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch của mình (ví dụ đã kết hôn chưa…).
Phương thức mới trong đăng ký hộ tịch theo ông Thất là tất cả sự kiện hộ tịch của mỗi cá nhân được đăng ký chung vào một sổ hộ tịch thống nhất (thay vì nhiều sổ như hiện tại). Trong trường hợp một người thay đổi nơi cư trú thì sẽ di chuyển nơi quản lý dữ liệu hộ tịch của cá nhân mình đến nơi htịch viên nơi đang quản lý dữ liệu của mình cấp cho bản sao toàn bộ dữ liệu hộ tịch của người đó đến nơi cư trú mới.
Ưu điểm lớn nhất của phương án này là các dữ liệu hộ tịch của cá nhân sẽ được xâu chuỗi đầy đủ, khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch hay xin cấp bản sao người đó không phải trở về xin xác nhận ở những nơi từng cư trú.
Ủng hộ những cải cách rất lớn mang tính đột phá của dự thảo Luật Hộ tịch, nhưng Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh Lê Thị Bình Minh vẫn tỏ ra lo lắng: “Cấp cho đương sự một bản sao để nộp ở nơi cư trú mới vô tình bản đó sẽ biến thành bản chính. Mọi dữ liệu sau này cứ tự động cập nhật theo bản sao, nếu nó không chính xác thì làm thế nào, ai chịu trách nhiệm?”.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương đồng quan điểm. Ông cho rằng việc đăng ký hộ tịch một nơi rồi gửi cho nơi khác dễ dẫn đến tình trạng “tam sao thất bản”. Cập nhật theo bản sao mà không có bản chính để đối chứng dễ xảy ra sai sót.
Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng cải tiến bằng một sổ hộ tịch là rất tốt nhưng sẽ phải mất một thời gian dài tồn tại hai hệ thống sổ. “Cần đánh giá tác động xã hội của vấn đề này”, đại biểu này lưu ý.
Nên có chức danh hộ tịch viên
Dự thảo Luật Hộ tịch lần đầu tiên quy định về chức danh hộ tịch viên trên cơ sở tách riêng công tác hộ tịch khỏi công tác tư pháp khác, theo hướng chuyên nghiệp hóa để đảm bảo ổn định và nâng cao chất lượng công tác hộ tịch, đáp ứng được việc chuyển đổi mô hình đăng ký hộ tịch ở một cấp.
Chức danh hộ tịch viên cần được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ về hộ tịch như các chức danh tư pháp khác (công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý, đấu giá viên…).
Đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Sở Tư pháp Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đều ủng hộ việc xây dựng chức danh hộ tịch viên. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần quy định rõ thẩm quyền của hộ tịch viên, việc gì được làm, không được làm; nếu thực hiện phân cấp thì phải có lộ trình…
Tuy nhiên, đại diện Bộ Nội vụ thì đề nghị Ban soạn thảo xem xét bởi thêm một chức danh ở cấp xã là liên quan đến vấn đề về tổ chức bộ máy, chế độ, con dấu…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, xây dựng chế định hộ tịch viên là cần thiết. “Không nhất thiết tất cả các xã phải có hộ tịch viên. Có thể một vài xã mới có một hộ tịch viên nếu địa bàn đó ít dân cư. Khi tình hình thay đổi có thể bổ nhiệm thêm”, Bộ trưởng gợi ý.
Bộ trưởng cũng lưu ý, xây dựng Luật hộ tịch phải trên tinh thần cái gì khó nhà nước phải làm, không được đẩy cái khó về cho người dân.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Mỗi người chỉ nên có một sổ hộ tịch và sổ gốc là khai sinh. Sau này kết hôn, thay đổi hộ tịch, nhận con nuôi… đều ở sổ đó. Nhưng không chỉ có một sổ duy nhất mà có thể là sổ thủ công đồng thời có sổ điện tử. Khi người dân ở bất cứ nơi nào muốn cấp giấy tờ thì cũng từ sổ đó mà ra. |
Thu Hằng