Hướng dẫn này được xây dựng dựa trên cơ chế lây truyền trực tiếp từ người sang người theo đường hô hấp chủ yếu qua giọt bắn và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, hướng dẫn áp dụng đối với các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người bao gồm: nơi có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh như cơ sở y tế, khu cách ly y tế tập trung, hộ gia đình có người cách ly y tế tại nhà, nơi có người đi từ vùng dịch trở về; nơi có không gian kín như quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), làm đẹp, phòng tập thể dục, thể hình; trụ sở làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ, cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn; nơi tập trung đông người như chung cư, trường học, nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, đám tang, đám cưới, địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí, khu tâm linh, sự kiện tập trung đông người trong nhà, ngoài trời, khu vui chơi, rèn luyện sức khỏe, tham gia các hoạt động ngoài trời, điểm dừng khi tham gia giao thông; nơi có sự giao tiếp gần, khoảng cách dưới 2 mét.
Hướng dẫn này không áp dụng với những khu vực, địa điểm đang có ổ dịch Covid–19, người đang thực hiện các hoạt động sinh hoạt, vệ sinh cá nhân (ngủ, ăn uống, đánh răng…).
Sau khi hướng dẫn được ban hành, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai việc thực hiện, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên phạm vi địa bàn; đồng thời quyết định các khu vực, địa điểm công cộng mà người dân phải thực hiện đeo khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, theo Thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 ngày 19/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết là Hà Nội và TP HCM chỉ đạo việc thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng. Đây là hai địa phương có mật độ dân số lớn nhất cả nước, nguy cơ lây lan dịch là rất lớn.
Nếu không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm, sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Mức phạt này được quy định tại Điều 6, mục I, chương II của Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.
Cách ly người tiếp xúc chuyên gia nước ngoài nhiễm Covid-19
Chuyên gia nước ngoài lưu trú tại TP HCM được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sau khi về nước khiến ít nhất 19 người phải cách ly.
Trung tâm Y tế quận 2, TP HCM chiều qua cho biết ngay sau khi nhận thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cơ quan này đã đưa 6 người có tiếp xúc trực tiếp (F1) với chuyên gia nước ngoài đi cách ly tập trung. Đây là những người làm cùng công ty, thông dịch viên và người quen của ca bệnh người nước ngoài.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế quận cũng áp dụng cách ly tại nhà đối với 3 người sống tại phường Thảo Điền tiếp xúc với những ca F1. Lực lượng y tế tiếp tục phối hợp với chính quyền thực hiện công tác khoanh vùng, truy vết nhanh thêm 4 ca F2 (tiếp xúc với ca F1) khác để yêu cầu cách ly tại nhà.
Liên quan chuyên gia nói trên, Trung tâm Y tế quận 6 cũng cách ly 10 người, trong đó một ca cách ly tập trung, số còn lại cách ly tại nhà.
TP HCM đã trải qua 3 tháng không phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Đến ngày 27/10, thành phố đã ghi nhận 82 người mắc Covid-19, trong đó 78 người được điều trị khỏi. Toàn thành phố có 1.052 người đang được cách ly tập trung, 294 người cách ly tại nhà, nơi cư trú.