Tinh thần của Chiến lược là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST); đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Đột phá thể chế phân bổ nguồn nhân lực
Dự thảo Nghị quyết lần này vẫn giữ số lượng 3 đột phá, đó là: Đột phá về thể chế; Đột phá về khoa học và phát triển nguồn nhân lực; Đột phá về phát triển hạ tầng.
TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia cao cấp, thành viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng cho biết mặc dù dự thảo vẫn giữ 3 đột phá chiến lược nhưng trong nội hàm đã có nhiều điểm mới mà đột phá về thể chế phân bổ quyền lực và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được xem là những vấn đề cốt lõi.
Về thể chế, theo TS Nguyễn Đình Cung, Dự thảo đã nhấn mạnh vào thể chế phân bổ nguồn lực làm thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực và nâng cao hiệu lực quản trị quốc gia.
“Điểm yếu cốt tử của kinh tế Việt Nam cho đến nay vẫn là hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp và chưa được cải thiện đáng kể. Cải cách, đổi mới thể chế huy động và phân bổ nguồn lực là cực kỳ quan trọng vì nó sẽ tạo ra thị trường để phân bổ nguồn lực. Hiện nay DN sợ lớn vì họ không được tiếp cận nguồn lực một cách công bằng. DN có quản trị tốt năng lực tốt chưa chắc đã tiếp cận được nguồn lực. Nguồn lực vẫn được phân bổ cho thân hữu cho sân sau…” - Chuyên gia này thẳng thắn.
Khẳng định “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập...”, Dự thảo nhấn mạnh: “Trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, KHCN. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường (CCTT)...”.
Theo TS Cung, ý này đã được mở rộng và phát triển so với Nghị quyết trước, trong đó hàm ý nguồn lực của Nhà nước cũng phải được phân bổ theo CCTT. “Đây là điểm mới rất quan trọng!” - ông khẳng định.
Ngoài ra, Dự thảo tiếp tục khẳng định đột phá thể chế bao gồm: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành...”.
Bổ sung yếu tố khoa học công nghệ trong đột phá nguồn nhân lực
Theo TS Nguyễn Đình Cung, trong bối cảnh hiện nay, để phát triển nhanh và bền vững phải dựa chủ yếu vào KHCN, ĐMST và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Chính vì thế, Ban soạn thảo đã rất cân nhắc khi thêm yếu tố này và có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một đột phá về KHCN, ĐMST. Tuy nhiên, Ban soạn thảo quyết định lồng ghép ý này vào đột phá nguồn nhân lực để vẫn giữ số lượng 3 đột phá, do vậy đột phá thứ 2 là đột phát về khoa học và phát triển nguồn nhân lực.
Trong đột phá này, tiếp tục khẳng định phát triển toàn diện nguồn nhân lực, KHCN, ĐMST gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.
Nhắc lại nội hàm “đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo”, dự thảo nhấn mạnh “trọng tâm là hiện đại hoá và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước”.
Đặc biệt, trong đột phá này yếu tố KHCN, ĐMST và chuyển đổi số được nhấn mạnh là để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trong đó bổ sung cụ thể: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy DN làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.
TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, yếu tố quyết định, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững trong trung và dài hạn vẫn là cải cách, nâng cao chất lượng thể chế KTTT định hướng XHCN, mà bản chất là nâng cấp mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế. “Nếu tích cực cải cách, cải thiện được mức độ thị trường, nguồn lực sẽ được huy động và phân bổ theo nguyên tắc thị trường, sẽ khơi dậy được tiềm năng và khi ấy Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 9-10%...” - ông quả quyết.