Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII: Tầm nhìn chiến lược xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp

TS Nguyễn Văn Cương.
TS Nguyễn Văn Cương.
(PLVN) - Trên cơ sở nghiên cứu kỹ dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII trình Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sau đây gọi tắt là dự thảo Báo cáo Chính trị), trước hết, tôi cho rằng, dự thảo Báo cáo Chính trị đã được chuẩn bị đặc biệt công phu, kỹ lưỡng, với hàm lượng trí tuệ cao.

Định hướng trúng thực tiễn, phù hợp xu thế phát triển 

Dự thảo đã đánh giá rõ những thành tựu mà đất nước chúng ta đã đạt được trong các thời kỳ lịch sử, nhất là trong 35 năm Đổi mới, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội năm 2011 và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (2016-2020). 

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, dự thảo đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, yếu kém; phân tích, làm rõ nguyên nhân, đúc kết được các bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho chặng đường sắp tới. Có thể nói, các nhận định, đánh giá trong Dự thảo đều được chứng minh bằng các dữ liệu có sức thuyết phục cao.

Việc đặt ra mục tiêu cho sự phát triển của đất nước tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 theo những dấu mốc rất đặc biệt (100 năm thành lập Đảng ta - năm 2030 và 100 năm thành lập chế độ mới - năm 2045) là rất cần thiết.

Mục tiêu này góp phần thống nhất tầm nhìn, quy tụ nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vì đại nghiệp và đại nghĩa chung của dân tộc, đưa dân tộc từng bước hiện thực hóa khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã mong mỏi từ những ngày đầu sáng lập chế độ.

Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo chính trị cũng có những định hướng mới rất trúng nhu cầu của thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại như chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (nhất là thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư), nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn; Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Làm nổi bật hơn thành tựu trong xây dựng, thi hành pháp luật

Từ góc độ của người làm công tác nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, tôi thấy dự thảo đã thể hiện rất sắc nét các nội dung viết về Nhà nước pháp quyền XHCN và đi cùng với đó là một tầm nhìn mang tính chiến lược về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp trong giai đoạn 2021-2030. 

Tôi bày tỏ sự nhất trí rất cao với những nội dung này trong dự thảo. Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi đất nước từ tiền đề như hiện nay chuyển sang trạng thái là nước phát triển, thu nhập cao, chắc chắn sẽ phải vượt qua được những nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Muốn làm được điều đó, Nhà nước pháp quyền XHCN chúng ta xây dựng và hoàn thiện nhất định phải là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc dẫn dắt, thúc đẩy tiến trình phát triển nhanh và bền vững đất nước. Do vậy, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo Chính trị, tôi xin có một số ý kiến tham gia như sau:

Tại trang 7, đoạn viết liên quan đến “Hệ thống pháp luật không ngừng hoàn thiện. Vai trò của pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội”, đề nghị cân nhắc viết cụ thể hơn để làm nổi bật thành tựu trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật của đất nước ta trong thời gian qua như nội dung trong những Kết luận gần đây của Bộ Chính trị đã đánh giá. 

Cụ thể như sau: “Hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Công tác tổ chức thi hành pháp luật có tiến bộ và đạt được những kết quả tích cực. Vai trò của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao”. 

Cũng tại trang này, khi nói tới các cơ quan, thiết chế tư pháp, dự thảo có đề cập tới tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, “cơ quan bổ trợ tư pháp” nhưng lại thiếu “cơ quan thi hành án”, do vậy  cần bổ sung thêm cụm từ “cơ quan thi hành án” ngay sau cụm từ “cơ quan điều tra”.

Thuật ngữ “cơ quan bổ trợ tư pháp” nên được thay bằng thuật ngữ “tổ chức bổ trợ tư pháp” vì các tổ chức bổ trợ tư pháp (tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, thừa phát lại v.v.) hiện nay đều không phải là các cơ quan nhà nước.

Tại trang 9, phần đánh giá tổng quát thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII, còn thiếu vắng nội dung quan trọng là các thành tựu trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật. Có thể nói, có được hệ thống pháp luật như hiện nay là thành tựu rất quan trọng của 35 năm Đổi mới nói chung trong đó có những nỗ lực đặc biệt lớn trong công tác xây dựng thể chế của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và hệ thống chính trị của chính nhiệm kỳ Đại hội XII (chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Quốc hội đã ban hành 72 đạo luật, Chính phủ ban hành khoảng 700 Nghị định trong đó có nhiều đạo luật quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh). 

Lĩnh vực tư pháp đã có nhiều cải cách mạnh mẽ trong thời gian qua. (Ảnh minh họa).
 Lĩnh vực tư pháp đã có nhiều cải cách mạnh mẽ trong thời gian qua. (Ảnh minh họa).

Chính vì thế, tôi đề nghị bổ sung nội dung: “Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước khá căn bản, cân đối trên mọi lĩnh vực, không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế” trong phần đánh giá mang tính tổng quát về thành tựu của Nhiệm kỳ Đại hội XII.

Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 (trang 25-27): Tôi nhất trí với 12 định hướng lớn, tuy nhiên, tôi cho rằng, việc đặt thứ tự ưu tiên của các định hướng còn chưa thực sự hợp lý, chưa phản ánh đúng tầm quan trọng của một số định hướng. Chẳng hạn, các định hướng về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng (định hướng số 11) và định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (định hướng 10) cần được đưa lên hàng đầu thay vì ở vị trí số 10 và 11 hiện nay. 

Thêm vào đó, trong định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (định hướng 10) cần bổ sung định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.

Bảo đảm tính toàn diện trong hoàn thiện nền tư pháp 

Về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại trang 51 đến trang 53 của dự thảo Báo cáo Chính trị, tôi có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, nội dung về hệ thống pháp luật Việt Nam cần xây dựng như đề cập tại trang 50 của Dự thảo Báo cáo Chính trị về cơ bản là thuyết phục. Tuy nhiên, có thể kết hợp giữa nội dung thể hiện trong Dự thảo Báo cáo chính trị với Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội để hình thành nên cách diễn đạt đầy đủ và toàn diện hơn, đó là “Xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện mới”. 

Thứ hai, để bảo đảm tính toàn diện của các nội dung mang tính định hướng trong xây dựng và hoàn thiện nền tư pháp trong giai đoạn tới, bảo đảm sự nhất quán giữa nội dung của Dự thảo Báo cáo chính trị với những nội dung quan trọng trong Dự thảo Chiến lược, Khổ 4, mục XIII của dự thảo Báo cáo Chính trị (trang 52) nên bổ sung nội dung:“Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật và khả năng quản trị rủi ro pháp lý của người dân và doanh nghiệp”, “Phát triển hệ thống bổ trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý”, “Nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, đầu tư, kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng” sau đoạn viết về “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp…”.

Đặc biệt, khi so sánh với Văn kiện Đại hội XII của Đảng, phần viết về nền tư pháp còn thiếu một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong nguyên tắc tổ chức và vận hành nền tư pháp đó là bảo đảm sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án cũng như yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp.

Chính vì thế, tôi cho rằng, rất nên kế thừa nội dung của Văn kiện Đại hội XII, bổ sung nội dung “bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Thứ ba, về việc đặt vị trí chữ “trong sạch” hoặc “liêm chính” trong yêu cầu hoàn thiện nền hành chính và nền tư pháp trong dự thảo Báo cáo Chính trị. Tôi cho rằng, “trong sạch” và “liêm chính” phải được coi là yêu cầu đầu tiên, tiên quyết trong xây dựng và củng cố nền hành chính, nền tư pháp ở nước ta trong giai đoạn tới.

Vì vậy, trong diễn đạt về định hướng xây dựng, hoàn thiện nền hành chính và nền tư pháp cần đặt chữ “trong sạch” và “liêm chính” lên thứ tự đầu tiên, trước các yêu cầu khác về “chuyên nghiệp”, “hiện đại” v.v. Sắp xếp như vậy cũng là phù hợp với nội dung quan trọng trong chủ đề của Đại hội là “xây dựng… hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Đọc thêm

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng

Hậu Giang quyết tâm cao, phát triển tương xứng tiềm năng
(PLVN) -  Chiều ngày 23/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng đoàn công tác Thành viên Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường quan hệ hợp tác với Liên Bang Nga trong lĩnh vực giáo dục

Quang cảnh buổi tiếp.
(PLVN) -Sáng 23/4, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có buổi tiếp Hội Luật gia Liên Bang Nga do TS Stepashin Sergay Vadimovic, Chủ tịch Hội Luật gia Liên Bang Nga, nguyên Thủ tướng Chính phủ Liên Bang Nga làm Trưởng đoàn. Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội TS Đoàn Trung Kiên chủ trì buổi tiếp.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện Kiên Giang “bứt phá”

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện Kiên Giang “bứt phá”
(PLVN) - Chiều ngày 22/4, Đoàn Công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 435 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần Thơ góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Cần Thơ góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
(PLVN) - Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (dự thảo luật). Hội thảo ghi nhận các ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; qua đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục người chưa thành niên trong tình hình mới.

Hôm nay (22/4), thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID: Bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân

Hôm nay (22/4), thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID: Bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân
(PLVN) - Với việc TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) từ ngày 22/4, người dân tại hai địa phương này có thể lựa chọn nhận Phiếu lý lịch tư pháp được cấp bằng bản điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc phiếu bản giấy mà không mất thời gian, công sức phải trực tiếp đến các cơ quan chức năng như trước.

Ngày hội việc làm trường Đại học Luật Hà Nội - JOB FAIR HLU 2024: Chìa khóa mở tương lai

Lễ khai mạc “Ngày hội việc làm Trường Đại học Luật Hà Nội - Job Fair 2021”.
(PLVN) - "Ngày hội việc làm - Job Fair" là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng của Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm giúp sinh viên gặp gỡ, kết nối và tìm hiểu nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Từ đó, giúp các bạn trẻ định hướng cho mình con đường nghề nghiệp trong tương lai, đồng thời là cơ hội để sinh viên có thể tìm kiếm việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...

TP Hồ Chí Minh: Ký kết hợp tác phát triển nhân lực cho công tác thi hành án

TP Hồ Chí Minh: Ký kết hợp tác phát triển nhân lực cho công tác thi hành án
(PLVN) - Chiều 19/4 tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh (THADS TPHCM) đã diễn ra Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Cục THADS TP và Trường Đại học Luật TP.HCM nhằm phát huy năng lực và thế mạnh của mỗi bên trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác thi hành án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh nói chuyện chuyên đề tại Bộ Tư pháp Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh nói chuyện chuyên đề tại Bộ Tư pháp Việt Nam
(PLVN) -Ngày 20/4, đồng chí Hạ Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban chính pháp Trung ương, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Quản lý đất nước toàn diện theo pháp luật Trung ương, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Trung Quốc đã có buổi nói chuyện chuyên đề "Trao đổi về công tác pháp luật và tư pháp" tại trụ sở Bộ Tư pháp Việt Nam.