Giá đường thế giới vừa lập kỷ lục 800 USD/tấn – mức giá cao nhất trong vòng ba thập niên qua. Trong nước, tuy “cơn sốt” chưa đến hồi kịch liệt song cũng đã có cảnh “chen chân” mua đường. Phóng viên Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hà Hữu Phái – Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Theo ông Phái, niên vụ 2009-2010, sản xuất trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn đã kéo giá đường tăng cao, chưa kể yếu tố đầu cơ. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại nhận định “chệch” thị trường, những tưởng sắp vào chính vụ (tháng 11- tháng Giêng sang năm) thì giá đường sẽ hạ, nên chần chừ không nhập, không ai dự báo được giá đường trắng Luân Đôn có thể lên tới 800 USD/tấn. Hiện nay, trong nước giá đường chưa tính thuế VAT là 19 nghìn đồng/kg; giá đã tính thuế khoảng trên 20 nghìn đồng/kg. Giá mía ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn.
Theo nhận định của ông, giá đường trong thời gian tới sẽ diễn biến theo chiều nào?
Từ nay đến cuối tháng 11 giá đường sẽ hạ - nhưng “tụt dốc” một cách từ từ, không có biến động lớn. Hiện chúng ta đang có 20 nhà máy sản xuất mía đường, đến cuối tháng sẽ có thêm một số nhà máy bước vào sản xuất. Từ nay đến cuối tháng các nhà máy có thể ép được 1 triệu tấn đường, cộng với lượng tồn kho 21 nghìn tấn. Có thể nói, trong tháng này chúng ta đủ lượng đường cung cấp cho thị trường, không đáng lo ngại về nguồn cung nữa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá sản lượng đường sản xuất 2009 - 2010 ước đạt hơn 889 nghìn tấn (giảm 2,2% so với vụ trước). Tổng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường Bộ Công Thương đã công bố và phân giao cho các doanh nghiệp là 300 nghìn tấn, trong đó, 10 tháng đầu năm đã nhập khẩu 210 nghìn tấn, còn 90 nghìn tấn, các doanh nghiệp đã được cấp quota nhưng chưa nhập khẩu. |
Sang tháng 12, sẽ có khoảng 200 nghìn tấn đường trong nước sản xuất được. Trong khi, nhu cầu trong nước chỉ hết một nửa, chưa kể, còn 90 nghìn tấn đường chưa nhập khẩu (các doanh nghiệp nhập khẩu đường đã được Bộ Công Thương cấp quota nhưng chưa nhập) nên chúng ta không lo thiếu đường.
Thưa ông, vì đâu xây ra tình trạng người dân xếp hàng đi mua đường theo như phản ánh trên một số phương tiện thông tin, truyền thông vừa qua?
Người dân cứ rồng rắn xếp hàng chủ yếu vì hiệu ứng tâm lý, nghe thấy giá đắt thì mua nhiều để tích trữ, cũng có nguyên nhân từ các tư thương “ôm” để bán dần, ăn chênh lệch. Theo tôi được biết, như ở TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp được trong diện bình ổn giá phải bán giá rẻ hơn 10% so với thị trường, khi chênh lệch giá quá lớn - từ 17 tăng lên 22 nghìn đồng/kg - nếu mua được 1kg đã lãi vài nghìn đồng, nên có thể một số tư thương đã làm việc đó. Tuy nhiên, số đó không nhiều, bởi một số điểm tham gia bình ổn giá của TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của người dân.
Theo ông, trong thời gian tới, chúng ta phải làm gì để chủ động được nguồn dự trữ đường, giảm thiểu nhập khẩu?
Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa chỉ đạo các doanh nghiệp tích cực nâng giá mía, tạo vùng mía ổn định từ đó đem lại sự ổn định nói chung cho ngành đường. Đồng thời, Hiệp hội vừa chỉ đạo các nhà máy đường tích cực hoàn chỉnh thiết bị, kết thúc giai đoạn sửa chữa lớn, sẵn sàng đưa nhà máy vào hoạt động ngay khi mía chín, sớm tham gia cung ứng hàng hóa cho thị trường, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không để tồn kho, dự trữ chờ tăng giá…. Về lâu dài, theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta nên xây dựng văn bản pháp lý riêng cho ngành mía đường để điều chỉnh việc xuất, nhập khẩu, dự trữ mía đường … Bởi như nước bạn Thái Lan đã có Luật về mía đường từ năm 1954. Nên dù là nước xuất khẩu thứ hai thế giới, sản xuất được 7-8 triệu tấn/năm, nhưng luôn giữ lại 2 triệu tấn/năm nhằm đảm bảo bình ổn thị trường, luôn đảm bảo cầu trong nước với mức giá ổn định.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hoa