Sẵn sàng mùa “cao điểm”
Trang Booking.com vừa đưa ra danh sách những điểm đến được du khách tìm kiếm nhiều nhất vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới dựa trên đánh giá của du khách. TP Hà Nội là 1 trong 10 điểm đến trong danh sách này.
Báo cáo xu hướng Du lịch 2023 của Booking.com cho biết, du lịch không chỉ là ưu tiên của người Việt và du khách quốc tế, mà các chuyến đi hướng về thiên nhiên, tìm cảm giác bình yên đang là xu thế. Theo gợi ý của Booking.com, trong những kỳ nghỉ lễ của cả nước, các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM sẽ tổ chức các lễ kỷ niệm và hoạt động đặc biệt. Vì thế, những kỳ nghỉ kiểu tại chỗ “staycation” sẽ là lựa chọn tốt. Nếu ở Hà Nội, du khách có thể tranh thủ ghé thăm nhiều di tích, di sản như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Thăng Long tứ trấn...; các tour ẩm thực đường phố...
Kế hoạch số 79/KH-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 10/3/2023 về phát triển du lịch TP Hà Nội năm 2023 đã đặt ra nhiều mục đích nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cụ thể, Kế hoạch nêu rõ định hướng phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ; thu hút đông đảo du khách quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm; giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước; tiếp tục xây dựng hình ảnh điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”;…
Trong các giải pháp trọng tâm, thành phố tập trung vào nhiều giải pháp thu hút du khách quốc tế, tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch quốc tế. Đơn cử, tập trung các nguồn lực phát triển, hình thành các nhóm sản phẩm du lịch thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn; Định hướng dòng khách du lịch sẽ tham gia các tuyến, hoạt động du lịch và có lưu trú tại khu vực ngoại thành trước khi đến tham quan du lịch khu vực trung tâm thành phố; Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đêm, các hoạt động trải nghiệm gia tăng tại các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm…
Điển hình là Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch” sẽ diễn ra từ ngày 23-26/3 tới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội dự kiến đón khoảng 50 nghìn du khách nội địa và quốc tế. Lễ hội có quy mô 150 gian hàng và sự tham gia của 100 doanh nghiệp du lịch, trong đó có các doanh nghiệp lớn, như: Vietjet Air, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội,…
Bên cạnh các hoạt động hội nghị, giới thiệu các sản phẩm kích cầu du lịch, điểm thu hút khách du lịch quốc tế đáng chú ý ở sự kiện này là các tour về di sản Hà Nội, trong đó 2 tour liên kết di sản nổi bật được cho ra mắt là tour “Tìm về kinh đô Việt Cổ” đưa khách đi Cổ Loa và tour “Hành trình kết nối di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) - chùa Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử (Bắc Giang)”. Những tour này đều được đánh giá là những sản phẩm du lịch mới mẻ và có tính đặc trưng cao, đậm đà bản sắc văn hoá miền Bắc. Một hoạt động đáng chú ý khác của lễ hội là không gian trải nghiệm bia hơi Hà Nội thời bao cấp nhằm giới thiệu một nét văn hoá ẩm thực của người Hà Nội, đồng thời truyền tải thông điệp mạnh mẽ về văn hóa uống rượu, bia “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Phát huy vai trò “nhạc trưởng”
Kể từ sau đại dịch, xu hướng du lịch có nhiều thay đổi, ưa chuộng những tuyến du lịch ngắn ngày, Thủ đô Hà Nội đến nay đã phát huy tốt vai trò “nhạc trưởng” trong những sản phẩm du lịch liên kết vùng, mang tính trải nghiệm cao giữa các thành phố, tạo nên sức bật cho du lịch Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận.
Mới đây, Công ty SGO Travel khai trương tuyến du lịch văn hóa kết nối từ Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đi Bắc Giang, với 07 gói sản phẩm đa dạng, khởi hành hằng ngày từ Thứ Tư đến Chủ nhật cho du khách nội địa và quốc tế. Trong tháng 2, Công ty Cổ phần Tập đoàn du thuyền cao cấp châu Á (APC) cũng bắt đầu khai thác sản phẩm du lịch du thuyền cao cấp (Ambassador Cruise II) có lịch trình kết nối từ Hà Nội - Hạ Long (Quảng Ninh) - đây là hoạt động trong ngày có quy mô lớn với sức chứa 500 khách.
Theo Hiệp hội Du lịch Hà Nội, các hoạt động liên kết du lịch chặt chẽ giữa Hà Nội với các địa phương đã và đang cho thấy nhiều kết quả tích cực, đơn cử các tuyến du lịch Hà Nội - Bắc Giang; Hà Nội - Ninh Bình; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - Nam Định… Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch caravan (tự lái xe) có tuyến đường dài hơn, hành trình lâu hơn cũng được đẩy mạnh như tuyến từ Hà Nội đi Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… Thời gian tới, ngành du lịch Hà Nội hướng tới các sản phẩm liên kết vùng nhằm phát triển thị trường du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện), du lịch đô thị, du lịch biển đảo, du lịch, golf, chăm sóc sức khỏe, giáo dục.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng thông tin đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu đầu tư khai thác tuyến du lịch đường sông nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô… gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại các quận, huyện, thị xã. Trong năm 2023, ước tính Sở Du lịch cùng nhiều đơn vị, địa phương sẽ tổ chức khoảng 50 sự kiện quảng bá du lịch, văn hóa trên địa bàn Hà Nội.