Lao động du lịch chật vật kiếm sống
Một năm trôi qua, chị Nguyễn Thị Xinh (quê Hà Tĩnh, tạm trú Sơn Trà, Đà Nẵng), hướng dẫn viên du lịch tiếng Hàn phải xoay đủ nghề, chỉ để mong có thể “bám trụ” tại nơi làm việc. Chị Xinh cho biết, từ đợt dịch thứ nhất chị đã thất nghiệp do các hãng không có khách. Không thể về quê “ăn bám” với bố mẹ mãi, chị quyết định bán hàng online, đăng thông tin nhận dạy gia sư tiếng Hàn, nhưng rồi, tình hình kinh tế chung cũng ảm đạm nên chẳng việc nào hiệu quả.
Không chỉ chị Xinh, do thị trường khách nước ngoài, trong đó có khách Hàn Quốc “đóng băng” nên các đồng nghiệp của chị cũng chung hoàn cảnh, “lay lắt” sống chờ ngành du lịch phục hồi. Thế nhưng, đã có nhiều người không trụ nổi, phải bỏ phố về quê.
Anh Trần Thanh (quê Quảng Ngãi), hướng dẫn viên tiếng Trung cho một công ty du lịch có tiếng ở Đà Nẵng hiện cũng phải xin phục vụ bàn tại 2 quán cà phê theo ca sáng và tối với hy vọng đủ sống để ở lại thành phố. Hay anh Võ Văn Thành (quê Nghệ An), hướng dẫn viên du lịch tiếng Hàn chuyển sang chạy Grab cung cấp thức ăn, đồ uống kiếm sống.
Còn chị Lê Minh Thanh (Thanh Khê, Đà Nẵng) chua chát: “13 năm làm hướng dẫn viên tiếng Anh, chưa bao giờ tôi thấy vất vả như năm 2020 vừa qua và 2021 bây giờ. Vào những mùa cao điểm hàng năm, lịch trình của tôi luôn kín mít, nhưng 1 năm nay đành “bó gối” ở nhà, cuộc sống gia đình 4 người trông chờ cả vào đồng lương công chức của chồng”.
Không chỉ hướng dẫn viên, các lao động làm việc trong ngành khách sạn, cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Theo đại diện Hội khách sạn Đà Nẵng, dịch Covid-19 kéo dài khiến các khách sạn tại thành phố lao đao, đóng cửa hàng loạt, cho nhân viên nghỉ việc vì không có khách.
“Người lao động trong ngành thất nghiệp ở con số lớn chưa từng thấy từ trước đến nay. Hiện 95% nhân viên các khách sạn được cho nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc hưởng hỗ trợ của Chính phủ. Dù hiện tại, các cơ sở lưu trú đã được mở cửa đón khách nhưng chỉ khoảng 10-15% khách sạn hoạt động trở lại”, người này thông tin.
Còn theo số liệu của Sở Du lịch Đà Nẵng, từ đầu tháng 8 tới nay ước khoảng gần 40.000/50.960 người, tức khoảng 62,5% tổng số lao động trong lĩnh lực du lịch, dịch vụ phải tạm ngừng, nghỉ việc. Đáng chú ý, Đà Nẵng có hơn 4.500 hướng dẫn viên du lịch cả nội địa và quốc tế. Sau khi dịch bùng phát lần thứ 2 đến nay gần như hướng dẫn viên không còn việc làm.
Thông tin rao bán khách sạn nhan nhản trên các trang mạng xã hội ở Đà Nẵng. |
Hàng loạt khách sạn ven biển rao bán “cắt lỗ”
Đặc biệt, những ngày đầu năm Tân Sửu, không khó để lên trên các diễn đàn bất động sản tìm hiểu về việc các khách sạn ở Đà Nẵng đăng thông tin rao bán nhan nhản. Các khách sạn rao bán nằm khắp các tuyến phố du lịch vốn sầm uất, nhộn nhịp như Võ Nguyên Giáp, Bạch Đằng, Hồ Nghinh, Hồ Xuân Hương,... Hầu hết các thông tin rao bán đều có nội dung “nợ tiền ngân hàng cần bán gấp khách sạn”.
Một khách sạn khác ở đường Đỗ Bí (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) rao bán 70 tỷ đồng, được quảng cáo có diện tích gần 250m2, mặt tiền 13,5m, đường rộng, nằm ngay khu trung tâm phố tây. Khách sạn có 12 tầng, 56 phòng, có phòng spa, massage, bể bơi, cách bãi biển Mỹ Khê chỉ 100m. Nhiều người trong nghề bất động sản tiết lộ: “Do chủ khách sạn này đang cần bán cắt lỗ nên phải hạ giá đến mức này, chứ trong điều kiện bình thường thì giá không dưới 85 tỷ đồng”.
Anh Nguyễn Vũ, người chuyên môi giới bất động sản du lịch ở Đà Nẵng cho biết, từ trong Tết Nguyên đán đến nay, anh liên tục dẫn khách từ miền Tây và TP HCM khảo sát, tìm mua lại khách sạn ở Đà Nẵng vì giá đã hạ rất thấp. Theo anh Vũ, anh làm nghề này cũng khá lâu nhưng chưa bao giờ thấy giá bán các khách sạn ở Đà Nẵng lại rớt thê thảm như thời gian này, nhất là những khách sạn tầm 3 sao.
Anh Vũ dẫn chứng cụ thể về khách sạn L.G (đường Đinh Đạt, gần biển) mới xây dựng 1 năm, có diện tích 10 X 18,5m, 8 tầng, 26 phòng được rao bán với giá 27 tỷ đồng, có thương lượng giảm bởi không hoạt động, không có doanh thu để trả nợ ngân hàng. Trước đó, khách sạn này có giá khoảng 30-32 tỷ đồng. Cũng lời anh Vũ, thực tế những khách sạn đang nhờ anh tìm mối bán đều vay mượn tiền ngân hàng để đầu tư.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xác nhận, có tình trạng nhiều khách sạn rao bán vì khó khăn. Những khách sạn rao bán chủ yếu nhà nghỉ, khách sạn 1-3 sao. Có khách sạn 4 sao nhưng không nhiều. Theo ông Dũng, các khách sạn rao bán thời điểm này là xu hướng tất yếu của quy luật cung - cầu. Khi nguồn cung vượt cầu, các chủ đầu tư có thể chuyển công năng cơ sở lưu trú, hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới. Đại dịch Covid-19 đã gây ra cái khó chung cho ngành du lịch chứ không chỉ riêng gì Đà Nẵng.
Ông Dũng khẳng định, dù có xảy ra tình trạng rao bán khách sạn sau dịch, cũng không ảnh hưởng gì đến việc phục vụ khách của Đà Nẵng bởi thành phố có tới hơn 1.100 khách sạn. “Thậm chí, điều này còn có tác dụng sàng lọc doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cảm thấy kinh doanh khó bắt kịp xu hướng, có thể thua lỗ kéo dài, nên sàng lọc. Còn những doanh nghiệp lớn hơn, quy mô lớn hơn, có nguồn tài chính tốt, có thể trụ lại lâu hơn, họ sẽ phục vụ khách tốt hơn, đó là quy luật của thị trường”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận.
Ông Dũng cũng cho rằng, 2021 cũng sẽ là một năm khó khăn, doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ phải bám sát vào tiến trình kiểm soát dịch bệnh, nếu có tín hiệu tốt, sẽ triển khai ngay các biện pháp kích cầu du lịch, tung ra các gói sản phẩm kích cầu. Tuy nhiên, phải đặt việc chống dịch lên cao nhất. Hiệp hội Du lịch đang cùng với quỹ phát triển du lịch thành phố khảo sát xem với đợt bùng phát dịch mới này tại các tỉnh phía Bắc, tình hình doanh nghiệp thế nào, định hướng ra sao, cần gì. Sau đó mới tập hợp và có những kiến nghị sát nhất với tình hình hiện nay.