Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, hôm qua, Ban soạn thảo Chiến lược phát triển ngành Tư pháp giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là Chiến lược) đã họp cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng Chiến lược.
Không có mô hình nào đúng cho tất cả
Sau khi Bộ trưởng Hà Hùng Cường mở đầu cuộc họp về sự cần thiết soạn thảo Chiến lược khi Đại hội Đảng XI vừa kết thúc, đa số thành viên Ban soạn thảo tán thành quan điểm phải xây dựng làm sao để Bộ Tư pháp thực sự là Bộ Tư pháp của Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Khánh Ngọc, thực tiễn mô hình Bộ Tư pháp các nước rất đa dạng và đương nhiên, không có mô hình nào đúng cho tất cả. Trong xây dựng Chiến lược, ông Ngọc cho rằng cần chú ý 2 nội dung là Bộ đang có, đang làm những chức năng, nhiệm vụ gì thì làm thế nào cho tốt hơn; đồng thời, có những chức năng, nhiệm vụ Bộ chưa được giao, các Bộ ngành khác chưa làm mà phù hợp với tư pháp thì Bộ Tư pháp đề xuất làm được không (như làm tất cả các công việc liên quan đến quyền công dân giống với Bộ Tư pháp các nước thường làm).
Trụ sở Bộ Tư pháp. |
Đồng ý là mô hình Bộ Tư pháp các nước rất khác nhau, nhưng Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, các chức năng chính về tư pháp đều có cả. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Việt Nam lại đang ngày càng thu nhỏ lại, thiên về xây dựng pháp luật và một số lĩnh vực hành chính tư pháp.
Thứ trưởng thường trực đề nghị, trong Chiến lược phải đẩy mạnh chức năng xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp cao. “Bộ Tư pháp nước nào có chức năng xây dựng pháp luật thì ảnh hưởng cực lớn trong việc đưa ra những quyết sách cho đất nước”- ông Liên nói. Bên cạnh đó, Chiến lược phải xây dựng được mạng lưới các cơ quan tư vấn pháp luật đủ mạnh từ TƯ xuống địa phương, tạo ra được thói quen sử dụng tư vấn pháp luật.
Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Tạ Thị Minh Lý bổ sung, Chiến lược cũng cần làm rõ vai trò của Bộ Tư pháp trong việc bảo đảm nguồn lực về pháp luật. “Làm thế nào để cán bộ, công chức nắm rõ pháp luật, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, trong khi đây là cái đang yếu của chúng ta, công chức các ngành thường chưa nắm rõ pháp luật”, bà Lý giải thích.
Nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu
Được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Lê Hồng Hạnh cho biết, có một số vấn đề cần sớm được Lãnh đạo Bộ cho ý kiến chính thức, trong đó đáng chú ý là vấn đề quản lý TAND địa phương về mặt tổ chức, vấn đề thành lập Viện Công tố trực thuộc Chính phủ (dự kiến trực thuộc Bộ Tư pháp) và vấn đề Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý thống nhất công tác thi hành án.
Đây là vấn đề được đặt ra trong nhiều Nghị quyết (NQ) của Đảng và đặc biệt trong NQ số 49-NQ/TW về cải cách tư pháp. Tuy nhiên, những vấn đề này không được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đại hội Đảng lần thứ XI.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng khẳng định, do chưa có Chiến lược nên Bộ rất bị động trong công tác quản lý điều hành, trong thực hiện hoạt động tư pháp. Do vậy, đây là thời điểm thuận lợi vì các văn kiện Đại hội Đảng XI đã được thông qua, trong đó có việc xác định xây dựng Nhà nước pháp quyền. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng phân tích: “NQ Đại hội Đảng lần thứ XI đã thông qua, tuy không đề cập tới những vấn đề nêu trên nhưng không có nghĩa là NQ 48, 49 của Bộ Chính trị không được tiếp tục thực hiện”.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị cập nhật quan điểm, chủ trương, đường lối lớn của Đảng liên quan đến Chiến lược như nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền, thay đổi nhận thức về chức năng của nhà nước, phân công rành mạch giữa các cơ quan quyền lực nhà nước.
Đặc biệt, từ nay đến 2015 sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra, còn Chiến lược mới đang chỉ là nghiên cứu thuần túy của Ngành. Vì vậy, phải tiến tới nghiên cứu Chiến lược trong quan hệ giữa hành pháp với tư pháp, trong chương trình tổng thể cải cách hành chính và các NQ 48, 49 của Bộ Chính trị.
“Có những vấn đề không đặt trực diện trong Chiến lược như quản lý TAND về mặt tổ chức và thành lập Viện Công tố trực thuộc Chính phủ nhưng rất cần phải nghiên cứu sâu, đi vào cái chung trong bối cảnh tiếp tục phân công quyền lực nhà nước. Có vấn đề nghiên cứu để đợi điều kiện chín muồi như quản lý thống nhất thi hành án. Nhưng quan trọng là chúng ta phải tạo sự đồng thuận trong nhận thức thì chắc chắn Chiến lược sẽ có bước tiến mới”, Bộ trưởng lưu ý.
Hoàng Thư