Báo cáo tổng hợp về tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử cho thấy, dưới sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử, các bộ, ngành đều chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020 định hướng đến năm 2025. Đẩy mạnh kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử; ký số và xử lý công việc trên môi trường điện tử, triển khai Cổng dịch vụ công.
Cùng với đó, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ đã sẵn sàng kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đến nay, 100% các Bộ, cơ quan đã thành lập Ban chỉ đạo và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17, cũng như đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng có ý nghĩa như: trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, vẫn còn một số bộ, cơ quan chưa hoàn thành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử; chưa thực hiện đúng quy định về thể thức, hình thức ký số. Trong số 12 bộ, cơ quan còn 05 cơ quan chưa hoàn thành việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.
Để đẩy nhanh tốc độ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục yêu cầu, các bộ ngành cần tăng tốc triển khai nhiệm vụ tại Nghị quyết 17 trong việc xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối liên thông và chia sẻ với hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; rà soát các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện để gửi về Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, các bộ ngành cần tăng cường xử lý văn bản điện tử trên môi trường mạng gửi và nhận văn bản điện tử có ký số phù hợp với thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Đồng thời, tăng cường việc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng khi xây dựng triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Các bộ, ngành cần tăng cường bảo đảm kỹ thuật, nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành tích hợp các giải pháp chữ ký số để bảo đảm quy trình thể thức, giá trị pháp lý của các văn bản điện tử. Triển khai thực hiện chữ ký số và gửi trên trục liên thông văn bản quốc gia”- ông Lục đề nghị.