Hội nghị là dịp 5 thành phố đánh giá những kết quả đạt được; đồng thời xem xét những vấn đề còn tồn tại, nhằm thúc đẩy công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đưa 5 thành phố phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng vào hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Tạo sức lan tỏa lớn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, sự đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua của các tỉnh, thành phố đã góp phần tạo ra khí thế thi đua mới, đồng bộ và rộng khắp. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương sáng, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.
Bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương cho rằng, 5 thành phố đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai các chương trình thi đua theo đặc thù của từng thành phố và theo đặc trưng của từng đối tượng nhằm bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm, vào các lĩnh vực khó như trật tự đô thị, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường,… góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 5 thành phố cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, học tập gương điển hình thông qua các chuyên mục về gương người tốt, việc tốt.
Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. |
Dẫn ra những bài học kinh nghiệm được rút ra từ các phong trào thi đua, Phó Chủ tịch thường trực UBND Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết, khi phong trào thi đua bám sát cơ sở, xuất phát từ hơi thở cuộc sống, tìm đúng người để khen thưởng kịp thời thì quá trình khen thưởng ấy có sức lan tỏa rất lớn.
Tuy vậy, ông Bình cũng cho rằng, thi đua và khen thưởng trong chừng mực nào đó vẫn nặng về khen thưởng. Chúng ta có phát động thi đua nhưng việc duy trì, đánh giá chưa sát, vẫn còn hình thức. Thi đua phải gắn thực tiễn mới có sức sống bền vững.
Để công tác thi đua - khen thưởng góp phần động viên và tạo động lực cho những người làm trực tiếp, bà Trần Thị Hà cho rằng 5 thành phố cần quan tâm tới tổ chức, triển khai các phong trào thi đua đột xuất, chuyên đề; quan tâm tới kiểm tra các phong trào thi đua gắn với sơ, tổng kết, đánh giá để có nhiều hơn nữa các phong trào, các điển hình, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Cần nâng cao hiệu quả phong trào thi đua
Ghi nhận và đánh giá cao thành tích của Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương trong 6 tháng qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, 5 thành phố đã bám sát Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 19/KH-HĐTĐKT của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, từ đó lựa chọn những chủ đề gắn liền với sự phát triển của thành phố nhằm tạo bứt phá trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, người đứng đầu Mặt trận vẫn còn trăn trở khi thực tế hiện nay các doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều rào cản trong phát triển sản xuất, mở rộng môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác cải cách hành chính mặc dù có nhiều cải thiện nhưng ở một số nơi, một bộ phận công chức, viên chức vẫn còn sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân. “Có nơi, có chỗ gặp Chủ tịch, Phó Chủ tịch TP thì dễ, chứ gặp cán bộ cơ sở có khi khó khăn hơn”- ông Trần Thanh Mẫn nói.
Vẫn theo Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, những vấn đề nổi cộm như ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, ùn tắc giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn gây bức xúc lớn trong nhân dân. Việc nhân rộng các điển hình tiên tiến vẫn còn chậm; việc trao đổi học tập kinh nghiệm của 5 thành phố chưa được triển khai thường xuyên, liên tục…
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị công tác thi đua khen thưởng phải có trọng tâm, trọng điểm. |
Nhấn mạnh năm 2019 là năm nhân dân cả nước đang có những hoạt động thiết thực nhất kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, là năm về đích trong triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đã đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị mỗi thành viên trong Cụm thi đua tiếp tục huy động sự vào cuộc của nhân dân trong triển khai các phong trào thi đua, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhất là phát động thi đua trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để “nhà nhà thi đua, người người thi đua” và có những thành tích tốt nhất chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của cả nước.
Khẳng định việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của mỗi thành viên trong cụm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý, việc triển khai các phong trào thi đua cần gắn liền với phát triển đô thị theo hướng “Sáng –xanh – sạch – đẹp”. Việc phát động các phong trào phải gắn với điều kiện thực tế tại địa phương để 5 thành phố thực sự là những địa điểm đáng sống nhất trên cả nước.
Đặc biệt, công tác biểu dương, khen thưởng phải theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đúng thành tích, tiêu chuẩn, đối tượng và phải kịp thời, chính xác. Bên cạnh đó cần tập trung khen những nhân tố mới, những điển hình mới trong xã hội và quan tâm tới khen đột xuất.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ước đạt 611.525 tỷ đồng, tăng 7,86% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch đến với thành phố ước đạt 4,25 triệu lượt khách, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội ước tăng 7,21% so với cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 133.854 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán; lượng khách du lịch đến với Hà Nội ước đạt 14,4 triệu lượt khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hải Phòng ước đạt 16,3% so với cùng kỳ - cao nhất từ trước đến nay.